Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Hành trình dọc sông Hồng tới cửa Ba Lạt phần 1

6h30:
Đẩy xe ra sân, cột đồ, lắp GPS
Mọi thứ đã sẵn sàng, xỏ găng tay, nổ máy, lên đường.

7h00:
- Em ơi cho anh đầy bình nhé.
- Của anh 280 nghìn, chuẩn bị đi đâu đấy anh?
- Cửa Ba Lạt em ạ
- Cửa Ba Lạt là ở đâu cơ?
- Ở cuối con đê này...

7h05:
Bỏ mẹ, quên mất không ăn sáng trong phố, chạy trên đê thì tìm đâu ra quán ăn bây giờ. Đoạn đê Thanh Trì này thi thoảng mới có quán bia hơi, buổi sáng thì làm gì có ai uống bia hơi mà bán. Chạy trên đê được cái là thích, có nhiều thứ hay để ngắm nghía nhưng chết nỗi lại không có cây xăng và quán ăn, thôi kệ, đến đâu hay đến đó, cứ chạy đã.

7h30:
A có cái chợ, thể nào chả có hàng ăn sáng. Hê hê, chợ quê mà cũng đông ra phết, chả thấy có cái quán ăn nào, hay là ở đây buổi sáng người ta chỉ ăn cơm, nhà nào tự nấu ăn nhà đấy, không có nhu cầu ăn quà sáng như trên phố nhỉ?
- Chị ơi ở đây có chỗ nào bán đồ ăn sáng không?
- Có đấy em ạ, đi đến kia rẽ tay phải có một quán bán bún đấy.

A đây rồi...
- Bác ơi có bún gì đấy ạ?
- Có bún mọc với bún chả, ăn gì hả cháu?
- Cho cháu cả hai ạ.
- Cháu đi mấy người đấy?
- Dạ có một mình cháu thôi ạ.

7h35:
- Ơ bún chả của bác lại có cả chả lá lốt à?
- Ừ, thê mới ngon chứ
- Ở Hà Nội chỉ có chả miếng với chả băm thôi, lần đầu tiên cháu ăn bún chả có chả lá lốt đấy. Ui cha ngon quá, thơm thật, mà nước chấm của bác cũng ngon nữa.

7h45:
- Bún chả của bác ngon thật đấy, mỗi tội hơi ...ít.
- Lấy cho cháu bát bún mọc luôn nhé.
- Ơ đây là bún mọc ạ? cháu tưởng đây là thịt băm với mộc nhĩ nấm hương.
- Ờ thì ở đây chúng tôi gọi là bún mọc, có cả mấy miếng sườn nữa đấy.
- Ái chà, ngọt và thơm quá, ngon ghê.

7h55:
- Đây là đâu hả bác?
- Đây vẫn là thuộc Thường Tín
- À, thế thì cũng là Hà Nội rồi, đất ở đây có đắt không bác?
- Ối dào, ở đây cũng có ai mua bán gì đâu mà biết, chắc là cũng rẻ thôi. Mà cháu đi đâu với cái xe to thế?
- Dạ cháu đi "xem đất" ạ. Thôi chào bác nhé, cháu đi tiếp đây.  

8h30:
Thế là đã chạy được hơn 1 tiếng rồi. Buổi sáng đi trên đê thích thật. Đê bây giờ đã được làm đường bê tông rộng rãi sạch sẽ chứ không phải con đường sống trâu ngập cỏ ngày xưa nữa. Đê giờ cũng là trục đường chính để mọi người đi lại nên đông đúc và sầm uất hơn xưa. Con đê là một trong những nét đặc trưng của làng xã nông thôn Bắc Bộ. Với những cô bé, cậu bé lớn lên từ làng quê thì con đê luôn gắn chặt với những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ấu thơ với lưng trâu, diều sáo, cần câu..., và cả những trò nghịch dại, giờ nghĩ lại vẫn giật mình.

8h50:
Làng xóm thưa dần và bắt đầu lùi ra xa, nhường chỗ cho ruộng đồng, ao cá.
Có mùi gì quen quen, hình như mùi sen thì phải, chắc là có một ao sen ở gần đây.
Oài, cái gì đây thế này, phía sau khúc cua là bạt ngàn những sen là sen, chỉ có sen và sen.
Chưa bao giờ mình nhìn thấy những đầm sen lớn như thế này. Hoa sen tím nở lác đác chen lẫn trong màu xanh mướt của những cái lá tròn to đại vươn lên khỏi mặt nước.
Lá sen này lại làm mình nhớ đến hàng xôi vỉa hè ở góc phố nhà mình ngày xưa. Có lẽ cái món cao lương mỹ vị ngon nhất đối với tuổi thơ của mình là món xôi lúa bọc trong lá sen này đây. Ngô nếp bung nhừ lẫn với xôi nếp dẻo thơm, một lớp đỗ xanh giã nhuyễn cộng với hành khô phi vàng thơm nức, tất cả hòa quyện với mùi thơm tinh khiết của chiếc lá sen kia thành một hương vị không thể nào quên.

Đường đê 


Ven đường


Đường xuống đồng sen


Đường SEN


Những đồng sen bất tận.


Chưa nhìn thấy ở đâu nhiều đầm sen như thế này.




Trên là đê dưới là sen


Làm một kiểu toàn cảnh nào


 10h00:
Đã tới địa phận của tỉnh Nam Định. Nhớ ngày xưa hồi còn bé tý, mỗi lần về quê ngoại ở Thái Bình, mình vẫn thường tần ngần đứng trên phà Tân Đệ, nhìn về phía hạ lưu của dòng sông Hồng đặc quánh phù sa này để cố nhìn xem biển ở đâu, biển như thế nào và thầm ước ao có ngày nào đó được tới nhìn tận mắt. Vậy mà tận gần 30 năm sau, mình mới thực hiện được ước mơ giản đơn này.

Nam Định có một thứ đặc sản hay tuyệt vời đó là những nhà thờ với các xóm đạo xung quanh.

Mình để ý là nhà thờ ở đây thường có hai loại kiến trúc của tháp chuông: vuông và tròn.

Một nhà thờ có tháp chuông hình vuông.

Và đây là nhà thờ có tháp chuông hình tròn.


Mình thì không thạo về món này nhưng nghe Thánh Cô phán là nhà thờ nào mà thờ Thánh Ông thì có tháp chuông hình vuông, thờ Thánh Bà thì có tháp chuông hình tròn.  

Hay là vào đại cái nhà thờ này xem thế nào nhỉ.

Nhìn nhà thờ có vẻ rất cổ kính, hỏi một bác thì bác bảo nhà thờ này xây được hơn 80 năm rồi.


Chi tiết kiến trúc rất đẹp và cầu kỳ kiểu Pháp.


Mặt phải nhà thờ.


Tầng hầm được xây bằng đá tảng lớn.

Mặt trái nhà thờ.


Hoa văn trang trí


Xứ Tường Loan


10h40:
Đang rong ruổi trên đê thì nhìn thấy cái tháp chuông này đẹp quá, lại phải phi vào xem mới được.


Cái tháp chuông này được xây dựng theo một lối kiến trúc rất lạ, hao hao với tháp Chàm của người Chăm.


Lại gần mình mới thấy là cái tháp chuông này đã bị bỏ hoang từ lâu và nghiêng khá nặng.


Hiện giờ thì tháp chuông nằm trong vườn của một gia đình, mình phải xin phép một bác trong nhà để vào tham quan. Phải nói là tháp chuông được trang trí phào chỉ rất đẹp và công phu, thật là uổng phí.


Quang cảnh hoang tàn bên trong tháp chuông. Thật kỳ lạ, người xưa dùng gạch để xây thành sàn mái mới giỏi, không đổ bê tông cốt thép mà vẫn làm được, các vòm cửa đều xây cuốn bằng gạch thẻ.


Giờ đây nó được chim, chuột chọn làm tổ và để chứa củi.


Cái tháp chuông này rất hợp với các bộ phim kinh dị.


Xóm đạo nơi có tháp chuông bỏ hoang, trước đây là nhà thờ nhưng đã bị phá bỏ từ lâu.


Thóc phơi đầy sân


Đường từ xóm đạo lên đê đang ngập rơm vàng trong ngày mùa


Lại rong ruổi trên con đường đê


Đằng kia có một cái điếm canh đê


Một chiếc xà lan rất dài chở hàng dưới sông


10h55:
Con đê mỗi lúc một nhỏ lại, đường sống trâu với hai vệt xe đi, cỏ mọc um tùm.


Chẹp chẹp, cả một đoạn đường đê toàn một loại cây hoa sao trắng bạt ngàn. Cắt một bó này về nhà mà cắm cùng hoa hồng đỏ thì đẹp tuyệt.


Các bạn trẻ đi chụp ảnh cưới mà vớ được đoạn đê này thì tuyệt luôn.

3 nhận xét:

  1. Thích quá, em cũng muốn đi như thế này :">

    Trả lờiXóa
  2. Chú ơi chú cho cháu hỏi đầm sen trong bài này thuộc địa phận của huyện nào đấy ạ. Chiều nay cháu chạy xe đạp dọc đê từ Vạn Phúc khoảng 1 tiếng mà không thấy cái đầm naỳ.

    Trả lờiXóa
  3. Đầm sen này ở Yên Lệnh, Hưng Yên bạn à.

    Trả lờiXóa