Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Hành trình dọc sông Hồng tới cửa Ba Lạt phần 3

16h10:

Bước vào BQL vườn quốc gia, ngày cuối tuần thấy rất vắng vẻ, có một chị còn khá trẻ đi ra tiếp. Mình khảo sát sơ bộ về những điểm chính của khu vườn quốc gia để lên kế hoạch đi thăm quan rồi hỏi chị này ở đây có phòng ngủ không. Cô nhân viên trả lời là có rồi bố trí dẫn mình vào phòng nghỉ. Một ngôi nhà nằm tít phía sau khu nhà làm việc, sát dãy phi lao của vùng đệm. Căn phòng 2 giường khá rộng rãi, có điều hòa nhiệt độ, nhà vệ sinh tắm nóng lạnh khép kín, thế là quá tốt rồi.

16h20:
Tháo đồ ra khỏi xe và mang vào phòng. Tắm rửa nghỉ ngơi một lúc rồi lại nhảy lên xe đi thăm thú vườn quốc gia luôn. 

Đến đây thì mình ôn lại kiến thức địa lý từ thời học phổ thông một chút.

Miền Bắc Việt Nam được chia thành 3 tiểu vùng: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc BộĐồng bằng sông Hồng. Vùng Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ được các bạn phượt quan tâm rất nhiều còn vùng Đồng bằng sông Hồng thì dường như ít được nói đến, có vẻ vì nó quá gần gũi và quen thuộc với chúng ta rồi.

Vùng Tây Bắc Bộ được giới hạn ở phía Tây bởi dãy núi sông Mã, ở phía đông bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn bao gồm các tỉnh (có thể là một phần của tỉnh):
1. Hòa Bình
2. Sơn La
3. Điện Biên
4. Lai Châu
5. Lào Cai
6. Yên Bái

Vùng Đông Bắc Bộ được giới hạn ở phía Bắc và Đông Bắc bởi đường biên giới Việt Trung, phía Đông Nam bởi Vịnh Bắc Bộ, phía Nam bởi dãy núi Tam Đảo và Đồng bằng sông Hồng và bao gồm các tỉnh:
1. Phú Thọ
2. Hà Giang
3. Tuyên Quang
4. Cao Bằng
5. Bắc Kạn
6. Thái Nguyên
7. Lạng Sơn
8. Bắc Giang
9. Quảng Ninh.

Đồng bằng sông Hồng trải rộng từ 19°53´B (huyện Nghĩa Hưng) đến 21°34´B (huyện Lập Thạch), từ 105°17´Đ (huyện Ba Vì) đến 107°7´Đ (trên đảo Cát Bà).

Phía bắc và đông bắc là Vùng Đông Bắc (Việt Nam), phía tây và tây nam là vùng Tây Bắc, phía đông là vịnh Bắc Bộ và phía nam vùng Bắc Trung Bộ. Đồng bằng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ các thềm phù sa cổ 10 - 15m xuống đến các bãi bồi 2 - 4m ở trung tâm rồi các bãi triều hàng ngày còn ngập nước triều.

Toàn vùng có diện tích: 15.000 km², chiếm 4,5% diện tích của cả nước bao gồm các tỉnh và thành phố:
1. Vĩnh Phúc
2. Hà Nội
3. Bắc Ninh
4. Hà Nam
5. Hưng Yên
6. Hải Dương
7. Hải Phòng
8. Thái Bình
9. Nam Định
10. Ninh Bình

Đây là vùng đất màu mỡ, được hình thành do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình, là các sông nhánh cận Bắc và cận Nam của sông Hồng và một hệ thống sông ngòi phức tạp chảy ra vịnh Bắc Bộ qua trên 10 cửa sông .

Vùng đất có điều kiện thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Nó được nhiều nhà sử học coi là nơi hình thành và phát triển của dân tộc Việt, một nôi văn hóa quan trọng của người Việt.

Hệ thống sông Hồng đổ ra Vịnh Bắc Bộ qua các cửa sông gồm:

1. Cửa Ba Lạt: cửa chính trên sông Hồng, ở bờ biển giáp gianh Nam Định và Thái Bình
2. Cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) ở tỉnh Nam Định
3. Cửa Đáy (sông Đáy) ở tỉnh Ninh Bình
4. Cửa Lân ở Tiền Hải (Thái Bình)
5. Cửa Trà Lý (sông Trà Lý) ở tỉnh Thái Bình
6. Cửa Diêm Điền (sông Diêm Điền hay sông Diêm Hộ) ở Thái Thụy (Thái Bình)
7. Cửa Hà Lận ở tỉnh Nam Định

Hệ thống sông Thái Bình gồm các cửa:

1. Cửa Thái Bình của sông Thái Bình, nằm giữa hai tỉnh Thái Bình và Hải Phòng;
2. Cửa Văn Úc, trên sông Văn Úc, Hải Phòng;
3. Cửa Lạch Tray, trên sông Lạch Tray, Hải Phòng;
4. Cửa Cấm, trên sông Cấm, Hải Phòng;
5. Cửa Nam Triệu, trên sông Bạch Đằng, nằm giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng;
6. Cửa sông Chanh, Quảng Ninh;

Sông Hồng chảy vào Việt Nam từ Lũng Pô và đổ ra biển ở cửa Ba Lạt này. Mình đã được đi dọc theo sông Hồng từ Lũng Pô tới Lào Cai (chuyến Hồng Ngài - Y Tý vừa rồi), và đi dọc sông Hồng từ Lào Cai về tới Hà Nội (chuyến đi nhớ đời năm 2007 với vợ chồng Hùng Sài Gòn, Hưng Dân Trí, Cương còi, Linh Tiểu Yêu) và lần này hoàn tất con đường dọc sông Hồng từ Hà Nội tới cửa Ba Lạt. 

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía đông nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lư và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.

Hàng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông, trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Tại vườn ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, nhiều loài gần như tuyệt chủng có tên trong sách đỏ thế giới, như: rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ...

Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật.

Về thực vật, vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, mình quyết định lên kế hoạch ăn chơi như sau:

- Chiều nay vì cũng đã muộn, tranh thủ phóng xe ra đầm chơi, ngắm hoàng hôn rồi về ăn uống ngủ nghỉ.
- Sáng hôm sau sẽ đi thăm quan các nhà thờ và xóm đạo xung quanh, ra đầm xem bà con nuôi trồng thủy hải sản thế nào để cảm nhận cuộc sống nơi đây, kiếm một chỗ ăn nhờ và nghỉ trưa ở ngoài đầm luôn cho vui.
- Buổi chiều nước lên sẽ thuê một chiếc thuyền đi một vòng trong khu rừng ngập mặn ngắm chim, chụp ảnh linh tinh rồi lên đường về Hà Nội.
15h45:
Sau một chặng off road khoảng 3km thì mình chạy ra đến sát ,mép ngoài của khu vườn quốc gia.


Cả khu đầm vắng tanh, thủy triều đang lên, nước mênh mông cả.


Một đàn bò trên đường về chuồng, xa xa có một cái chòi quan sát, chạy ra đấy ngắm cảnh xem sao.


Một dãy thuyền máy xếp thành hàng, ngày mai mình sẽ cưỡi một trong những chiếc thuyền này ra biển chơi.


Chòi quan sát


Buổi chiều tà trên rừng ngập mặn đẹp quá.


Cửa Ba Lạt là đó, xa xa kia là chiếc đèn biển cồn Vành của Thái Bình


Phía đằng này gọi là cồn Lu


 Con đường vẫn còn trải dài tít tắp, chốc nữa mình phải đi nốt mới được.


 Yêu quá đi mất, giá mà có máy ảnh panorama hay một ống kính 15mm ở đây mà chụp cái cảnh này.


 Thôi thử ghép tạm mấy cái ảnh lại xem thế nào, toàn cảnh cửa Ba Lạt


 Tự sướng một phát nào, nhìn mặt mình cháy nắng như đười ươi, sắc đẹp giảm mất mấy chân kính.


Mặt trời sắp sửa lặn


 Chiến mã yêu quý


 Đi tiếp thôi nhỉ


 18h25:
Trèo xuống khỏi cái chòi quan sát, lại lên xe phóng tiếp. Con đường mỗi lúc một nhỏ lại. Cứ thỉnh thoảng lại có một cái cống rộng chừng 2m ngang qua đường để đóng xả nước cho đầm bên trong. Người ta gác qua khe cống một tấm bê tông nhỏ xíu để xe máy đi qua, đoạn đầu tấm bê tông còn rộng khoảng 60cm, vẫn còn phóng ào qua được, đoạn sau rộng còn khoảng 30cm, phải hết sức tập trung để phi qua, và đoạn cuối cùng chỉ còn rộng khoảng 20cm, đến đây thì mình không dám nhìn xuống nữa, chỉ ướm sao cho bánh trước và bánh sau thẳng hàng với nhau rồi nhắm mắt phóng liều qua. Cũng may mà không lộn xuống cống chứ không thì toi, cống thì sâu mà có mỗi một mình chắc phải sáng hôm sau mới gọi người đến vớt lên được.

Cảnh này mà đi với người yêu thì tuyệt nhỉ

 
Mai mình sẽ kiếm cái cần câu câu thử xem có cá ở đây không.


Chạy đến cuối con đường thì hóa ra có một cái cửa cống lớn, vứt xe ở đây trèo lên xem thế nào.


Có mấy bác đang ngồi hóng gió tán phét với nhau bên dưới.


Chuyện trò bàn tán sôi nổi và bình luận về chiếc cào cào của mình.


Trời đã bắt đầu xẩm tối


Ánh mặt trời hắt lên đẹp thế không biết


Đầm lầy tĩnh lặng đến tuyệt vời


Bây giờ mình mới phát hiện ra là lũ ong kia hút mật ở đâu. Hóa ra giờ đang là mùa hoa sú vẹt, bọn chúng tha hồ hút mật trên khắp khu rừng ngập mặn này.


Chụp nốt kiểu ảnh rồi về thôi trước khi trời tối kẻo lại lộn cổ xuống cống, với lại ở đây buổi tối sợ ma lắm.


19h30:
Đã off road trở về BQL vườn quốc gia, may mà không có vấn đề gì. Lại đi tắm rồi kiếm chỗ ăn tối.

20h00:
Hỏi mãi mới tìm được một cái quán ăn ở đây, cũng đông khách ra phết.

- Chị ơi có gì ăn không ạ?
- Giờ chỉ có mỳ tôm thôi
- Ơ thế không có gà qué gì hả chị?
- Có gà đấy nhưng chả nhẽ một mình ăn cả con gà à?
- Ơ thế xứ biển mà không có gì của biển ăn à?
- Có tôm và cua thôi, chú có ăn không?
- Vâng thôi thì ăn tạm vài con cua vậy
- Có cua gạch đấy, chú ăn mấy con?
- Thôi, em ăn hai con thôi, ăn nhiều béo lắm. cho em ít cơm canh nữa nhé.

Thỏa thuận xong, chủ quán lúi húi xuống bếp chuẩn bị, có mỗi bà chủ quán với một cô con gái khá xinh xắn phục vụ.

20h30, cô con gái chủ quán bê cho tôi hai con cua gạch to tướng, bỏ mẹ, thế này có mà no đến mai.


Trợn mắt trợn mũi nuốt xong hai con cua gạch, vài lon bia, hai bát cơm chan với canh cá của bà chủ quán, tôi ra uống nước chuẩn bị về phòng đi ngủ.

- Của em hết bao nhiêu tiền chị ơi.
- Của chú hết 240 nghìn.
- Ối giời ơi sao đắt thế hả chị, có 1.2kg cua gạch, hai lon bia với cơm canh mà nhiều thế cơ à?
- Chú thông cảm dạo này thức ăn đắt đỏ lắm.
- Hê hê, em đùa đấy.

Về đến phòng thì trời tối om, hôm nay mùng hai, trời không có trăng, chỉ có sao chi chít trên bầu trời, gió thổi ào ào trên rặng phi lao xung quanh.

10h00:
Bật cái ti vi, chỉ có tiếng xèo xèo, không có tín hiệu, kiểm tra lại dây ăng ten thì đã bị đứt từ bao giờ. Cái phòng này chắc đã lâu chẳng có ai ở.
Chẳng biết làm gì, mình lại lang thang ra bên ngoài. Giờ mới để ý cái nhà nghỉ này nằm khá xa nhà điều hành, tách biệt với bên ngoài, xung quanh không có bóng người hay nhà dân, chỉ có phi lao và cỏ mọc um tùm, dưới mái hiên thấy mắc một cái võng dù màu xanh, ở dưới có một đôi dép, chẳng nhìn thấy ai nhưng gió thổi khiến nó đu đưa như đang có người nằm ở trên, bỗng cảm thấy rờn rợn.

Đứng ngoài một lúc gió thổi vù vù khiến mình lạnh sởn gai ốc, lại trở vào phòng leo lên giường nằm, cái phòng nghỉ này cũng quái đản, có cửa kính trong suốt nhưng chẳng có rèm cửa, đóng cửa sổ rồi nhưng nằm trên giường vẫn có cảm giác ai đó đang ngó mình chằm chằm từ bên ngoài.

Nằm nhắm mắt lại nhớ tới hình ảnh cô gái tôi gặp trên đò lúc chiều, hai bím tóc lúc lắc trong gió với chiếc áo sơ mi trắng khoác bên ngoài bay phần phật, cặp mắt lá dăm nhìn tôi sắc lẹm, vẫn cái miệng nửa đáng yêu nửa đáng ghét với hàm răng đều đặn trắng bóng, ngân nga câu hát:

Đời hồng nhan ai có biết không
Đời gian nan là kiếp má hồng
Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn
Nhiều gian truân và lắm đau buồn ...


Ngày còn nhỏ mình đọc đâu đó câu chuyện về những bóng ma cô hồn ở vùng ven biển, ban ngày họ biến thành những cây phi lao trên bãi cát phơi mình trong nắng gió, đến tối lại biến thành những cô gái xinh đẹp cất tiếng hát quyến rũ những lữ khách lỡ bước cô liêu bước vào thế giới của họ để rồi biến mất mãi mãi không bao giờ trở về.

Trằn trọc mãi, mình thiếp đi lúc nào không hay trong tiếng phi lao xào xạc như những câu tán gẫu bất tận bằng một thứ ngôn ngữ quái gở nào đó của thế giới bóng đêm bí ẩn.

3 nhận xét:

  1. THẬT THI VỊ! ƯỚC GÌEM CŨNG ĐƯỢC NHƯ BÁC! NHƯNG MÀ EM KHÔNG ĐI MỘT MÌNH ĐÂU! THẬT CÔ LIÊU!

    Trả lờiXóa
  2. Đã từng có những trải nghiệm như vậy, một mình. Trong một chuyến thực tế tại địa phương để làm luận văn. Nghĩ lại, mình là con gái mà liều thật ^^

    Trả lờiXóa