Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Pa Vệ Sủ những ngày thu nắng và mưa - P13

Tôi hỏi thăm ảnh chủ hiệu tạp hóa đường đi Mường Nhé vì cũng không muốn dừng lại ở đây lâu sẽ gặp rắc rối. Anh ta nói từ Tà Tổng đi Mường Nhé chỉ độ 60km, nếu chúng tôi đi ngay bây giờ (4h15 chiều) thì may ra đến 12h đêm có thể đến nơi. Ối cha mẹ ơi, có 60km mà đi đến nửa đêm thế thì toi, nhưng dù sao thì chúng tôi cũng không muốn ở lại đây đêm nay.

Đang đổ thêm xăng thì có hai anh Mông ở đâu lò dò ra ngó mấy chiếc xe.




Một anh cắm thùng, đeo kính đen như gián điệp trông chẳng giống ai kiểu tay chơi rất buồn cười.




Mấy cái xe này khủng đây!


 

Trường học của xã khá khang trang.



Xã chưa có điện lưới quốc gia, có mấy tấm pin năng lương mặt trời để phục vụ trường học.




Con đường trục xuyên qua trung tâm xã, phía cuối con đường là con dốc dựng đứng bé tý để đi sang Mường Nhé.



Cả hội đang chuẩn bị định đi tiếp thì có một anh cán bộ xã người Kinh ở đâu đi xe máy đến hỏi tôi là ai, từ đâu đến. Biết ngay là sẽ không thể tránh khỏi chuyện này, tôi cười bắt tay chào hỏi anh ta và nói là cúng tôi vừa ở đồn biên phòng 307 sang đây, định đi qua bên Mường Nhé. Anh cán bộ nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi lạnh tanh nói "không đi được qua Mường Nhé đâu, trời vừa mới mưa nên đường trơn lắm". Anh cán bộ nói con đường từ Tà Tổng sang Mường Nhé vừa nhỏ, vừa dốc đứng, ngày thường đã khó đi, nếu trời mưa thì không thể đi nổi vì có một đoạn khoảng 9km đường rất trơn và dốc, nhất là với 5 chiếc xe cào cào to như thế này thì khổng thể nào mà đi được qua.

Đang nói chuyện thì bỗng ở đâu xông ra thêm 3 anh cán bộ người Kinh nữa đứng quây xung quanh chúng tôi. Một anh khá lớn tuổi, chừng 50 gì đó ra dáng là lãnh đạo, một anh ít tuổi hơn nhưng mặt lúc nào cũng quắc lên như là công an. Cả hội xúm vào tra hỏi chúng tôi ở đâu, lên đây làm gì? Tôi lại trả lời lại từ đầu nhưng có vẻ các anh không tin lắm. Anh lãnh đạo nhiều tuổi bảo tôi, khu vực này hiện đang rất phức tạp, an ninh không đảm bảo, họ không đảm bảo an toàn cho chúng tôi ở đây được và bảo chúng tôi phải quay về Mường Tè ngay, không được đi tiếp sang Mường Nhé. Thấy anh lãnh đạo này có vẻ cũng cởi mở, tôi cố gắng hỏi han thêm tình hình trên này thế nào, có vấn đề gì không thì anh mặt như công an kia hầm hầm lườm chúng tôi rồi tra hỏi chúng tôi công tác ở đâu, nhà ở đâu, đi từ hôm nào, đã đi những đâu... Chúng tôi càng trả lời thì có vẻ anh kia càng nghi ngờ và căng thẳng hơn, nghe một lúc rồi anh ta nói đề nghị mọi người vào cơ quan xã để làm việc. Nghe tình hình có vẻ diễn biến theo chiều hướng xấu, thôi thì lành nhất là "tẩu vi thượng sách" tôi nói anh ta cứ bình tĩnh để tôi lấy giấy giới thiệu của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu ra cho các anh ấy xem rồi rút giấy giới thiệu ra. Cả bốn anh cán bộ châu đầu vào xem tờ giấy giới thiệu, xăm soi chữ ký và con giấu một lúc rồi trả lại tôi, giọng có vẻ nhỏ nhẹ hơn và trình bày đây là do nguyên tắc chứ không phải các anh gây khó dễ gì cho chúng tôi cả.


Anh mặt sắt còn thỏ thẻ chỉ đường cho tôi là muốn sang Mường Nhé, các anh đi qua Pắc Ma sang Mù Cả rồi cua về Mường Nhé, thế thì nói làm quái gì. Chúng tôi cũng ngoại giao bắt chân bắt tay chào các anh cán bộ rồi lên xe rời Tà Tổng xuống núi cho sớm.


Thế là phải chia tay Tà Tổng sau nửa tiếng đồng hồ dừng chân.




Nhìn lại Tà Tổng lần cuối, chẳng biết liệu có khi nào sẽ quay lại đây nữa không, con đường từ Tà Tổng sang Mường Nhé rốt cuộc vẫn chưa được ai khám phá.

 

Nhưng dù sao thì chuyến di này của chúng tôi đã tương đối thành công, đặt chân được lên Tà Tổng là vui rồi.

Cả đội quay xe rời Tà Tổng xuống núi.




Đã quen đường và cũng không dừng lại nhiều để chụp ảnh nên mọi người lao như tên.




Chả mấy chốc đã tới chân núi, qua cây cầu treo trở về với Mường Tè. Tới Mường Tè là 6h30 tối, cả bọn nghĩ không lẽ lại ngủ đêm thứ 3 liên tiếp ở đây và cũng đã quá chán với cái nhà nghỉ Thương Mại rồi nên quyết định chạy tiếp một mạch về Mường Lay vào khách sạn Lan Anh nghỉ cho sướng. Thế là cả hội lại mò mẫm trong đêm tối để offroad 60km tỉnh lộ 127 xấu kinh hoàng tới thủy điện Lai Châu, rồi lại bị lạc trong thủy điện Lai Châu trong bụi và bùn rồi chạy tiếp về thị trấn Mường Lay.


Đến 10h30 tối thì tất cả về đến khách sạn Lan Anh trong tình trạng rã rời toàn thân và đói như sói cả với nhau. Cả bọn làm một bữa cơm với cá chép nướng bỏ lò của người Thái (cực ngon), canh chua cá lăng sông Đà... bét nhè nhè cho lại sức.




Khách sạn Lan Anh sáng hôm sau.




Sau bữa sáng, chúng tôi ngồi thảnh thơi uống nước chè tâm sự với ông chủ khách sạn.




Bác này ngày xưa cũng giang hồ lắm, bác kể hồi đó, cứ mang ít xà phòng, gạo, muối lên Mường Tè là đổi được đầy một ba lô thuốc phiện, sướng thế không biết. Chém gió một hồi, chúng tôi về phòng dọn dẹp rồi buộc đồ lên xe về Điện Biên, còn có 100km nên sẽ thả hồ đuổi hoa bắt bướm, chẳng việc gì phải vội cả.

Đường từ Mường Lay về Điện Biên Phủ quá đẹp, tha hồ mà kéo ga.



Lúa chín vàng hai bên đường.




Bà con đang khẩn trương thu hoạch.


 

Qua đèo Ma Thì Hồ, đến đoạn đường đẹp nhất, chúng tôi dừng lại chụp mấy kiểu anh cả đội để coi như kết thúc chuyến đi lần này.



Cả đội hình đi về an toàn, mạnh khỏe là điều tuyệt vời nhất.




Sẵn sàng chinh phục những cung đường mới.




Sẽ có mặt trên từng cây số.




Thế giới quả là rộng lớn.




Và có nhiều nơi để đi...


 

1h chiều thì chúng tôi đã về tới Điện Biên Phủ.



Cả hội mang xe ra chỗ gửi xe về Hà Nội rồi lững thững về nhà nghỉ.




Tắm rửa nghỉ ngơi một lúc, tôi dẫn cả hội đi ra hàng thắng cố ngựa nổi tiếng của Điện Biên Phủ ăn xem ra sao.




Làm nồi thắng cố chúc mừng cho chuyến đi thành công.




 

Ăn chơi ngủ nghỉ đến 7h tối thì chúng tôi mới ra bến xe Điện Biên ngay bên đường.



Tôi chưa gặp cái bến xe nào nhộn nhạo như cái bến xe này, có khoảng 6,7 chiếc xe đang đợi khách đi Hà Nội. Cứ hễ có khách vào là bọn nhà xe nhẩy ra như cướp, mỗi đứa giật một túi của khách mang về xe mình rồi cãi nhau ỏm tỏi. Mấy ông bảo vệ bến xe ra can thiệp nhưng bọn chúng coi như không. Nghe chừng có vẻ tại hôm nay ế khách quá nên các nhà xe càng căng thẳng với nhau, tuy nhiên khi bọn tôi đi vào bến thì lại chẳng thấy thằng nào ra cướp đồ cả, chắc tại nhìn chúng tôi có vẻ không được tiềm năng lắm. Đang lúi húi nhét đồ vào gầm xe thì thấy hai ông phụ xe đuổi nhau đấm đá loạn xị, anh cu bé hơn bị đấm mấy phát liền chạy ra ngoài bến xe rồi vác một con tông quay lại đuổi anh kia chạy nháo nhào vào trong xe nhà mình. Anh kia lại nhặt một ống tuýp trong xe nhảy ra tiếp chiến, thế là cứ loạn cào cào cả lên.


Xem thiên hạ cắn nhau phát chán, chúng tôi lên xe kệ bố sự đời bên ngoài, nằm dài làm một giấc, về nhà thôi...


Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Pa Vệ Sủ những ngày thu nắng và mưa - P12

Tiếp lục lên đường.


Chuối rừng mọc bạt ngàn bên đường.


Con đường xuyên giữa cây cối um tùm tuyệt đẹp.


Nhìn đường như có vẻ vừa mới được san gạt lại.


Đi một đoạn thì quả nhiên có một chiếc máy ủi đang chạy phía trước. Chiếc máy ủi phải nép sát vào vệ đường để tránh thì chúng tôi mới lách qua được.


Thi thoảng mới nhìn thấy có người đi trên con đường này.


Một đoạn đường trơn nhãy.


Đến đoạn đường này, mấy tay kia đang lao ầm ầm phía trước sao lại đi chầm chậm thong dong thế này?


Hóa ra phía trước lại có một chiếc xe tải IFA đang chạy choán hết cả đường, không hiểu là nếu hai xe đi ngược chiều nhau thì làm thế nào?


Mãi đến một đoạn đường rộng hơn chúng tôi mới vượt qua được chiếc xe tải kia. Đến một đoạn đường quang đãng, phía dưới là vực sâu hun hút, có thể nhìn thấy con sông Đà phía dưới và tỉnh lộ 127 tít phía xa.


Con đường tiếp tục đi lên cao mãi, lên đến trên 1000m, trời bắt đầu lạnh, không còn không khí oi bức như ở dưới chân núi.


Con đường chạy sát một vách đá hoang sơ.


Càng lên cao đường có vẻ càng rộng hơn, cây cối cũng thưa hơn.


Lại đến một ngã ba đường, chúng tôi phải dừng lại để hỏi đường nhưng đợi mãi chẳng thấy ai đi qua cả.


Mãi một lúc sau thì chúng tôi mới gặp một cặp vợ chồng người Mông đang chở nhau trên một chiếc xe máy.


Chúng tôi gọi họ lại và hỏi đường nào đi lên Tà Tổng, họ chỉ đường cho chúng tôi rồi đứng lại nói chuyện một lúc rất vui vẻ. Thấy chúng tôi hỏi là liệu có đi qua Tà Tổng sang Mường Nhé được không thì họ bảo được chứ làm cả bọn cứ mừng khấp khởi.

Chia tay cặp vợ chồng Mông dễ thương, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.


Xa xa có một sườn núi vàng óng rất đẹp.


Nhìn như một tấm lưng thiếu nữ đang nằm sấp.


Tới gần thì hóa ra đó là lúa chín.


Thông thường thì ở vùng cao, người ta phải xẻ núi ra thành những thửa ruộng bậc thang rồi đắp bờ, dẫn nước về để gieo trồng lúa nước. Ở đây thì không có ruộng bậc thang, hóa ra loại lúa này chính là lúa nương nổi tiếng đây. Ngày xưa, người dân tộc họ thường phát rừng, đốt nương sau đó lấy gậy chọc lỗ và gieo hạt thẳng trên đất rồi thu hoạch. Gạo nương này dẻo, thơm và ngọt như gạo nếp ăn rất ngon và khá hiếm vì chẳng còn mấy nơi trồng.

Đã lên tới đỉnh núi, gần tới Tà Tổng rồi.


Đi một lúc nữa thì trung tâm xã Tà Tổng đã hiện ra trước mắt chúng tôi.


Thực ra thì trên đường đi, tôi đã hình dung là khi đi vào Tà Tổng sẽ có thể gặp nhiều rủi ro, nhất là với chính quyền. Tôi còn lo rất có khả năng không cẩn thận còn bị lục soát và thu máy ảnh thì toi nên tôi cẩn thận tháo thẻ nhớ ra cất đi rồi lắp một chiếc thẻ khác vào để đề phòng.

Bước chân vào trung tâm xã, tôi khá lo lắng và căng thẳng, không biết là điều gì sẽ chờ mình phía trước.

Một cửa hàng tạp hóa khá phong phú, nhìn lũ trẻ người Mông khá kháu khỉnh và sạch sẽ đứng ngó chúng tôi như người hành tinh khác.


Chụp trộm một kiểu ảnh với cô gái Mông, phụ nữ Mông ở đây có kiểu trang phục khá là lạ, đặc biệt là kiểu quấn khăn trên đầu.


Cả trung tâm xã chắc được đôi ba chục nóc nhà lợp tôn hoen rỉ lụp xụp, duy có ủy ban và trường học là nhìn có vẻ khang trang.