Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Hành hương lên Ngọa Vân Am phần 12

Phía trước chùa có 2 ngọn Tháp rất khiêm tốn, chắc cũng mới được xây dựng lại, để mang được vật liệu xây dựng lên đây là rất công phu nên để xây được thế này cũng là khổ công lắm rồi. Phía bên phải tháp là khu nhà bếp của chùa.


Tháp phía bên trái có một tấm bia phía trước.


 Ba gian chùa chính xây lại trên nền chùa cũ.


Khi tôi lên đến chùa thì thấy một sư ông rất trẻ đang bắt đầu gõ mõ tụng kinh. Tôi cũng không muốn làm ảnh hưởng đến các vi sư ở đây trong lúc họ đang tập trung nên lặng lẽ ra bàn nước ngoài sân ngồi đợi. Chùa chiền vốn là chỗ linh thiêng, không phải là nơi tùy tiện đi lại và chụp ảnh soi mói được.
Ngồi một lúc thì gặp một bác đệ tử tục gia đi ra chào hỏi. Bác giới thiệu bác tên là Long, năm nay 36 tuổi, mới lên Ngọa Vân này để phục vụ cơm nước dọn dẹp cho nhà chùa. Anh Long bảo hôm nay sư trụ trì đi vắng, ở nhà chỉ có mỗi sư ông trẻ tuổi kia ở nhà, có một sư ông và một sư bác nữa thì đi đến tối mới về. Anh Long cũng giới thiệu vị sư ông đang tụng kinh kia còn rất trẻ, mới 20 tuổi, quê ở tận Hà Giang nhưng đã xuất gia tu hành từ nhỏ, rất giỏi chữ Hán và thông thuộc kinh văn.
Tôi ngồi nói chuyện với anh Long khá lâu cho tới khi vị sư ông kia tụng kinh xong. Anh Long cũng bảo tôi cứ cho đồ vào nhà khách rồi ngồi đợi để anh ta đi nấu cho sư ông bát mỳ ăn tối. Vị sư ông kia tụng kinh xong đi ra nhìn thấy tôi mỉm cười chào rồi vào trong gian nhà gỗ cất đồ. Còn lại tôi một mình ở bên ngoài thơ thẩn ngắm nghía khu Ngọa Vân.

Khu nhà khách nơi tôi sẽ tá túc đêm nay.


Khu nhà ở của các sư và anh Long gồm có 3 phòng nhỏ làm bằng gỗ rất đơn sơ, mỗi gian chắc chỉ được khoảng 8 m2, bên ngoài là dãy bàn nước.


Phía cuối chùa có nhà tắm và nhà vệ sinh khá sạch sẽ, nhà chùa cũng bố trí một khu đổ rác riêng ở trong cùng để giữ vệ sinh.
Ở phía trên khu chùa có một cái am nhỏ xíu, đó chính là Am Ngọa Vân nổi tiếng, nơi Vua Trần Nhân Tông đã tới tu luyện và viên tịch ở đây.


Nhìn về tổng thể, Ngọa Vân Am rất đơn sơ giản dị, mọi thứ chỉ là tối thiểu, ngoài ra không có bất cứ thứ gì gọi là giá trị. Trái với những ngôi chùa khác thời nay, hoành tráng, xa xỉ. Ngọa Vân Am có lẽ là ngôi chùa duy nhất hiện nay không thấy để Hòm Công Đức, cuộc sống của các sư ở đây thật thanh tịnh, đúng với lý Vô Thường, Vô Ngã. Đã ngộ được lẽ Vô Thường, Vô Ngã thì đâu cần chùa to làm gì, đâu cần tượng Phật to làm gì vì những thứ đó to hay nhỏ chẳng khác gì nhau, trong chùa đâu có Phật, thậm chí trong tượng Phật cũng đâu có Phật, đến trong xá lị của Phật cũng đâu có Phật, Phật ở trong tâm mỗi người và ai cũng có thể thành Phật được. Nếu cứ chấp vào chùa to, tượng to, rồi nhiều xá lị thì mới có Phật là rơi vào sự Vô Minh.

Nhân đây nhớ lại một công án của Thiền Tông:
Một nhà tu hành đã đi khắp chốn cao sơn lưu thủy mong tìm được thày chỉ giáo cho mình con đường đốn ngộ, thế rồi một ngày trên một đỉnh núi tuyết phủ dầy, ông ta gặp một thiền sư. Vị thiền sư đang chẻ củi chuẩn bị nấu cơm, nhà sư cất lời hỏi thiền sư: Phật ở đâu? Thiền sư im lặng bỏ vào trong lều vung rìu bổ đôi bức tượng Phật bằng gỗ trên bàn thờ. Nhà sư hỏi: Ông bổ tượng làm gì? Thiền sư đáp: Để tìm xá lợi. Nhà sư: Tượng gỗ làm gì có xá lợi.
Lúc nhà sư trả lời thì tức là ông ta cũng ngộ ra được vấn đề phải tìm Phật ở đâu. 

Đợi vị sư ông ăn tối xong, tôi mới tới ngồi nói chuyện, xin phép nhà chùa cho tôi tá túc đêm nay ở đây. Vị sư ông này pháp danh là Thích Thanh Quang rất ít nói nhưng hiền hậu và có vẻ giỏi về học vấn.
Chuyến đi này tôi cũng hi vọng lên đây để được gặp một vị cao tăng có thể giáo hóa thêm cho tôi về Phật Pháp, tuy nhiên có lẽ nhân duyên chưa đến nên vị sư trụ trì lại đi vắng, vị sư ông trẻ tuổi này thì lại quá ít nói, tôi nói gì cũng gật đầu cười và có vẻ ngại giao tiếp nên tôi cũng không được nói chuyện nhiều.
Tôi cũng đi xuống bếp nấu cho mình bát mỳ tôm lót dạ, ăn xong thì thấy có tiếng người đi lên chùa, hóa ra có một vị sư bác và một vị sư ông rất trẻ nữa vừa về.
Vị sư bác có vẻ rất thân thiện, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng như con gái, vị sư ông kia thì còn quá trẻ, có vẻ vẫn chưa gột được hết bụi trần.
Tôi rửa nồi niêu xong rồi ra ngồi uống nước với mấy vị sư, ngồi được một lúc thấy các vị cũng toàn nói chuyện đời thường nên cũng không muốn làm ảnh hưởng tới họ, tôi lui về phòng nghỉ, thay đồ rồi đi tắm, nước suối mát lạnh khiến tôi tỉnh táo và khỏe khoắn trở lại.
Buổi tối ở trên Ngọa Vân rất hay, không gian tĩnh mịch và thanh tịnh vô cùng. Một lúc thì sương xuống giăng kín, núi rừng chìm trong hư ảo.

Ngồi trong phòng khách dưới ánh đèn dầu leo lét lại nghĩ về quá khứ xa xưa. Về những giây phút cuối cùng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở nơi này.


"Không một nơi nào trên thế giới mà thần Chết không thể tìm đến được, dù chúng ta có xoay đầu mọi phía để tránh né. nếu có một cách nào để tránh được vố đánh của thần Chết, thì tôi cũng không tránh làm gì... Nhưng thật điên rồ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể thành công...
Con người đến rồi đi, nhảy múa vui đùa mà không hề nhắc đến cái chết. Mọi sự đều xuôi chèo mát mái. Nhưng khi cái chết xảy ra cho chính họ, vợ con bạn bè họ, trong lúc bất ngờ không chuẩn bị thì họ khóc than, phẫn nộ và vô cùng tuyệt vọng!...
Để chiến thắng thần Chết, chúng ta hãy áp dụng một phương cách ngược lại thông thường; hãy xem cái chết chẳng có gì kỳ lạ, ta vẫn tiếp xúc với nó, quen thuộc với nó; hãy để tâm trí thường xuyên đến cái chết hơn bất cứ điều gì khác... Ta không biết khi nào thì cái chết sẽ đến đón ta, vì vậy hãy chờ sẵn để đón cái chết ở khắp nơi. tu tập cái chết chính là tu tập sự tự do. một người biết cách để chết thì sẽ không bao giờ trở thành nô lệ".

Montaigne

Theo Đạo Phật, sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây, chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời.
Đạo Phật nhận thức sự sống của chúng sinh là một sự chuyển biến không ngừng theo quy luật nhân quả, theo sự hoạt động của ngũ uẩn. Sở dĩ còn có sự sống là vì chúng sinh còn có lòng tham dục, còn tham dục thì còn sự sống, còn luân hồi sinh tử cũng như còn dầu, còn bấc thì đèn còn cháy.
Chỉ khi nào tu hành diệt được lòng tham, diệt được dục vọng thì sự hoạt động của ngũ uẩn dừng lại, khi ấy thì hết sinh tử luân hồi và cảnh giới Niết Bàn xuất hiện. Tuy vậy, Niết Bàn không phải là một nơi, một chốn nào đặc biệt cả. Cũng như lửa, ta bảo có lửa nhưng không thấy lửa ở nơi nào cả nhưng nếu ta lấy 2 thanh gỗ cọ xát với nhau thật mạnh thì sẽ có lửa sinh ra. Niết Bàn cững vậy, không ở chỗ nào, nơi nào cả nhưng ở đâu có người tu hành nghiêm túc, tức ở đó có cảnh giới Niết Bàn. 

Theo quan niệm của Đại Thừa thì chứng được Niết Bàn không phải rời sinh tử. Niết Bàn là một trạng thái của một tâm hồn thức tỉnh, là sự chấm dứt một căn bệnh tinh thần. Thế giới hiện tượng không phải là không, cũng không phải là có. Phải nhận thức thế giới hiện tượng bằng một giác quan đặc biệt, thứ giác quan mà người ta chỉ có được sau một thời gian dày công tu tập. Thực tướng của thế giới hiện tượng khác hẳn với cái mà ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy bằng giác quan thông thường vì đã bị Vô Minh che lấp cho nên ta bị mê lầm, như người nhìn trong hư không lại thấy có hoa đốm, nhìn sợi dây thừng trong bóng tối lại tưởng là con rắn.
Các vị Bồ Tát có thể sống trong sinh tử mà vẫn tự tại, an trụ, tùy duyên hóa độ. Các vị đó có thể vẫn sống trong thế giới hiện tượng mà vẫn an nhiên, giải thoát, không bị nghiệp lực lôi cuốn như chúng sinh. 

Ngơ ngẩn thưởng thức không khí ban đêm đặc biệt của người tu hành ở Ngọa Vân một hồi, tôi lôi túi ngủ ra chui vào ngủ một mạch đến sáng.
5h sáng hôm sau tôi đã dậy, trời đã sáng, cả Ngọa Vân được phủ bởi một lớp sương mờ huyền ảo.



Sư ông Thích Thanh Quang đã dậy từ bao giờ đang rảo bước trên bậc đá.


Cây đào trước cửa chùa trong sương sớm.


Sân chùa.



Bia đá.


Bậc đá.



Rêu mốc trên tháp.


Vị sư bác bên cây đào ngắm nhìn sương sớm.


Cổ tự.



Vị sư ông trẻ tuổi.


Tôi dạo một vòng quanh chùa, sau đó theo anh Long lên Am Ngọa Vân mở cửa thắp hương rồi ngồi uống nước nói chuyện với các vị sư ông một lúc.
Trước khi từ biệt để xuống núi, các vị sư tặng tôi một cuốn sách và 2 chiếc đĩa để tôi về nghiền ngẫm.


Tôi cám ơn họ và thu xếp đồ đạc lên đường về sớm.
Trước khi về, tôi leo lên đỉnh núi Bảo Đài để ngắm cảnh rồi mới xuống.


Trên đỉnh núi có một khoảng đất trống rất đặc biệt, khá bằng phẳng và có thể nhìn ra cả một khoảng không rộng lớn xung quanh.




Đứng ở đây có thể nhìn thấy 3 cây thông ở Thông Đàn.


 
Cảnh quá đẹp khiến tôi lại phải lôi bếp với nồi ra nấu nước pha trà uống.


 Uống trà ngắm cảnh chán chê, tôi thu xếp đồ đạc chạy một mạch xuống núi. Hôm nay phải về một mình nhưng tôi đã có GPS trong tay nên không sợ lạc đường.
Cứ theo track log của ngày hôm qua mà đi.


 Đi xuống dốc nhanh hơn đi lên dốc nhiều, tôi khám phá ra là chạy xuống thì vừa nhanh, vừa đỡ mệt hơn là đi từng bước. chẳng mấy chốc tôi đã tới dòng suối.

Giữa đường nhìn thấy bông hoa này, chẳng biết là hoa gì nhưng thật đẹp.


Một phút nghỉ chân bên dòng suối.



Tôi dùng GPS tìm lại chỗ để giày ngày hôm qua, nó đây rồi.


Đi đến đây thì đã là 10 giờ hơn, trời thì xầm xì có vẻ muốn mưa, tôi quyết định sẽ chạy một mạch ra khỏi rừng rồi về thị trấn Sao Đỏ ăn trưa để tiết kiệm thời gian vì nhỡ mưa to mà đi đường suối này thì toi, không thể về được, quãng đường phía trước thì còn khá xa, nhất là phải phi xe qua 10 con suối kia nữa. 

Lúc nghỉ chân tôi nhìn xuống hai bàn chân thấy vắt bám đầy, dừng lại lôi chúng ra rồi lại lội suối đi tiếp.
Bức ảnh cuối cùng, một đàn bướm hàng trăm con đang uống nước.



Tôi đi một hồi nữa thì tới chỗ dấu xe máy, may quá xe vẫn còn, lôi xe ra khỏi bụi cây rồi buộc đồ chắc chắn để ra khỏi rừng. Lúc này tôi cũng đã khá mệt, vừa đói lại vừa khát. Mệt đến mức không thể ngồi lên xe để đi qua suối nữa vì đi là ngã ngay, hơn nữa lại đi một mình thì chưa chắc đã nhấc được xe dậy. Cả hôm qua và ngày hôm nay, tôi đi đường mà không gặp bất cứ một ai, nếu có chuyện gì chắc không tìm được người cứu. Hôm nay nước suối lại lên cao hơn hôm trước nên càng khó đi, tôi cứ phải dò dẫm từng bước đẩy xe qua suối.
Cứ qua hết con suối nọ đến con suối kia, lúc ra khỏi rừng thì tôi gần như đã kiệt sức. Cố leo lên xe phóng quanh hồ Trại Lốc về nhà Sinh lấy đồ. Về đến nhà Sinh thì đã 1h chiều, cả nhà đang ngủ trưa, tôi lấy mũ và áo, cám ơn cả nhà rồi lên đường tới Sao Đỏ vào quán Trần Năm đánh chén no nê với bia lạnh cho lại sức. Ăn xong thì trời cũng hơi mưa, tôi mặc kệ cứ thong thả phóng về Hà Nội, Hà Nội hôm nay là Đại Lễ, khắp nơi chăng đèn đóm cờ hoa, nhạc ầm ỹ, lại nghĩ đến chùa to, tượng to, tất cả đều là Vô Nghĩa. 

10 ĐIỀU TÂM NIỆM

1- Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh.

2- Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.

3- Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.

4- Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường.

5- Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo.

6- Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.

7- Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì được thuận chiều ý mình thì tất sanh tự kiêu.

8- Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân mà có mưu tính.

9- Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay thì hắc ám tâm trí.

10- Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài.

Bởi vậy, Phật Đà thiết lập Chánh Pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên, ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả.

Đức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, Ương quật hành hung, Đề Bà khuấy phá, mà Phật Đà giáo hóa cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta.

Ngày nay những người học đạo, trước hết không dấn mình vào mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại xáp tới thì không thể nào đối phó. Chánh Pháp chí thượng vì vậy mà mất cả, đáng tiếc đáng hận biết bao.

LUẬN BẢO VƯƠNG TAM MUỘI 

Hành hương lên Ngọa Vân Am phần 11

Bãi đất trống này có lẽ là địa danh Thông Đàn, xưa kia là vườn tháp, nơi đặt một phần xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các vị sư của Ngọa Vân Am sau này. Di tích này cũng đã bị kẻ xấu phá hoại để tìm cổ vật, nay chỉ còn nền cũ và trơ trọi ít gạch đá cổ xưa kia.

Gạch ngói cổ.


Kiến trúc cổ bằng đá, vỡ tan.


Chân cột bằng đá.


Nền gạch cổ.


Gốc thông cổ thụ đã chết khô từ bao giờ.


Bia đá lăn lóc.


Cây thông cổ thụ còn sống.

 
 Hai cây thông này đã đứng bên nhau hàng trăm năm, chứng kiến biết bao biến cố, giờ một sống một chết.


Một cây thông cổ khác nằm khá xa.


Rời Thông Đàn, chúng tôi lại đi sâu vào rừng trúc. Đến đây thì Sinh bảo tôi cứ đi thẳng là tới Ngọa Vân Am, anh ta không cần dẫn lối nữa và xin phép tôi trở về nhà. Tôi cám ơn anh ta và hẹn ngày mai sẽ qua nhà anh ta chơi.


Tôi đi một đoạn nữa thì lại đến một nền phế tích, chẳng biết lai lịch là thế nào.


Sau đó lại len vào con đường mòn giữa rừng trúc để tới Ngọa Vân.


Đi một đoạn nữa thì tới một phế tích khác.


Tháp này có vẻ là mới được xây lại.


Đây đó còn sót lại những chân cột đá cổ.


Mảnh sứ cổ.


Về sau hỏi ra tôi mới biết đây là chùa Mẫu.


Ngôi chùa chỉ còn sót lại bốn bức tường vỡ nham nhở được làm theo kiểu kiến trúc phương Tây với tường đá, cột trụ có phào chỉ... Ngôi chùa này chắc mới được xây trong thế kỷ 20, không hiểu lai lịch ra làm sao.  

Đi qua sườn núi này là tới Ngọa Vân Am.


Đường vào Ngọa Vân Am đây rồi.


Lúc này đã gần 5h chiều, tôi nhìn thấy thấp thoáng 2 bóng áo nâu và nghe tiếng Chuông gióng lên âm vang cả núi rừng.
Leo nốt những bậc đá này là lên đến Am Ngọa Vân.