Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Khe Phương, vùng đất bị quên lãng - P3

Có lẽ, rừng đang tiếp tục tái sinh.




Một đoạn đường tuyệt đẹp, chẳng tội gì mà không thả sức tận hưởng sự hòa mình với thiên nhiên.





Những triền núi ở đây không hiểu được phủ một loại cỏ gì xanh óng, phẳng mượt như sân gôn vậy.




Một tấm bảng thông báo khu vực rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt.




Còn 5km nữa thì tới trung tâm xã Kỳ Thượng.




Xuống dốc hun hút.




Đường mới làm rất đẹp nhưng chẳng có một bóng người.




Xã Kỳ Thượng, xã xa nhất của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh vốn chỉ có vẻn vẹn 3 thôn (bản) là Khe Lương, Khe Tre và Khe Phương, trong đó bản Khe Phương là bản sâu nhất và khó khăn nhất của xã. Tôi được biết là đường từ trung tâm xã vào tới Khe Phương dài khoảng 15km và rất khó đi, vào mùa mưa thì thường phải đi bộ, không thể đi xe máy. Nhưng tôi vẫn hi vọng là với sức mạnh của ba con cào cào này, chúng tôi chắc sẽ vẫn vào được Khe Phương, đích đến của chuyến đi lần này của chúng tôi.

Với kinh nghiệm của những chuyến đi vào vùng sâu, vùng xa của tôi, tôi đã dặn kilimangiaro xin trước một cái giấy giới thiệu của thành đoàn Quảng Ninh để dễ bề vào xin ăn ngủ tại Khe Phương. Và quả thật, sự lo xa của tôi không hề thừa chút nào.   


Chừng 11h30 thì chúng tôi tới trung tâm xã Kỳ Thượng. Ngày nghỉ, Kỳ Thượng Vắng tanh chẳng có một ai, bưu điện, trường học đóng cửa im ỉm, nhà dân thì lác đác vài mái nhà, tôi cũng chưa biết đi Khe Phương thì đi đường nào vì chưa thấy lối rẽ. Cả hội bèn thong thả đi tiếp tìm đường tới Khe Phương.


Con đường chạy song song với một con suối nước xanh ngắt, bên cạnh là vách đá cây cối um tùm rất đẹp.


Đi một hồi mới gặp một ngôi nhà khá to và đẹp thì tôi dừng lại hỏi đường. Trong nhà có một cô gái và một anh con trai đang ngồi. Một điều khiến tôi rất ngạc nhiên là cô gái đang ngồi ở đó rất xinh. Kỳ Thượng là xã mà gần như 100% là người dân tộc Dao, người Dao thì tôi gặp nhiều rồi nhưng cô gái này vừa trẻ, vừa xinh đẹp và còn diện một chiếc váy ngắn giữa núi rừng xa xôi như thế này thì tôi lại chưa gặp bao giờ.

Đang hỏi han thì bố cô gái ở trong nhà đi ra, tuổi trạc độ ngũ tuần, nhìn nét mặt rất nghiêm nghị như một sỹ quan quân đội hất hàm hỏi chúng tôi: "các anh ở đâu đến, đến đây có việc gì thế này?".
Thực ra thì tôi cũng đã quá quen với việc bị tra hỏi một cách hình sự như thế này rồi nên tôi cũng chẳng giật mình, chào bác ta và giới thiệu chúng tôi ở Hạ Long lên đây, đang hỏi đường vào Khe Phương có việc.
Thấy tôi trả lời có vẻ cũng đàng hoàng, bác ta cười và mời chúng tôi vào nhà uống nước. Tuy nhiên cũng ngại nhà có đàn bà con gái, tôi chỉ đứng ngoài hỏi han vài câu. Hóa ra chúng tôi đã đi qua chỗ rẽ vào Khe Phương mất 3km, con đường này, đi thẳng là sang huyện Ba Chẽ.
Tôi cảm ơn cả nhà rồi cả đoàn quay xe trở lại tìm đường vào Khe Phương.

Đến được ngã ba rẽ đi Khe Phương thì cũng đã giữa trưa, tôi quyết định cho cả đoàn vào một cái quán ven đường làm mỗi người bát mỳ tôm rồi chiều đi tiếp cho đỡ mệt.



Ăn uống nghỉ ngơi đến 1h30, chúng tôi bắt đầu lên đường vào Khe Phương. Con đường đất dốc ngược vào Khe Phương ở ngay phía đối diện quán chúng tôi ngồi. Nghe chúng tôi bảo đi vào Khe Phương, mấy người ngồi ở quán cũng lắc đầu lè lưỡi, đường xấu lắm, bản thân họ cũng chẳng mấy khi đi vào Khe Phương làm gì.


Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Khe Phương, vùng đất bị quên lãng - P2

Một khúc ngoặt men theo triền đồi.


Quanh co uốn khúc thật là đẹp.


Và mất hút phía xa.


Khu vực này có lẽ thuộc diện đất rừng trồng, không có ruộng lúa. Cả đoàn thong thả tận hưởng không khí trong lành của núi rừng nơi đây.


Đường bê tông sạch sẽ và vắng tanh.


Một khe núi tuyệt đẹp giữa bạt ngàn cây cỏ.


Con đường mỗi lúc một tiến sâu vào những khe núi, chìm dần vào những vạt rừng xanh um tùm.

Thỉnh thoảng vẫn còn những thân cây cổ thụ mọc ngay sát đường, bên khe suối.


Khu vực này có mật độ sông suối khá lớn, đường liên tục đi qua những con ngầm, tuy nhiên đều đã được đổ bê tông nhẵn lỳ, đi lại dễ dàng.


Đường tới Kỳ Thượng này vốn là một con đường độc đạo, với vài chục cây số xuyên qua giữa rừng, dân cư rất thưa thớt, đi mãi chẳng thấy có làng bản nào cả.


Nếu trước đây rừng không bị tàn phá để lấy gỗ thì chắc khu vực này sẽ là một khu dự trữ sinh quyển tuyệt vời.


Tuy giờ đây không còn mấy những khu rừng đại ngàn nhưng rừng tái sinh cũng đang phát triển rất mạnh mẽ.


Đường qua một vạt rừng thông khá đẹp, mọi người dừng lại nghỉ ngơi và chụp ảnh, tận hưởng mùi thơm đặc biệt của nhựa thông và tiếng gió vi vu rất đặc trưng.


Đường đất lên đỉnh đồi thông.


Xen lẫn là những gốc thông già đã bị gãy từ bao giờ.


Qua khỏi rừng thông, chúng tôi lại tiếp tục len lỏi quanh những sườn núi được phủ một màu xanh nõn nà.


Cả một vùng núi non trùng điệp của vùng Đông Bắc.


Lên dốc nào.




Đằng xa là một quả núi được phủ một lớp cỏ cây xanh óng ả rất đẹp mắt.