Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Ka Lăng - Thu Lũm, thăm người La Hủ phần 18

Cán bộ chiến sỹ chơi thể thao đông nghịt trên sân của đồn Thu Lũm


Tôi xách máy ảnh lang thang ra ngoài chơi thăm thú xung quanh. Nhìn đồng hồ thì thấy độ cao của đồn Thu Lũm là 1233m


 Trời mây phía trước đồn Thu Lũm thật là đẹp, bản Là Si của người La Hủ ở đâu đó trên dãy núi trước mặt kia.


Quán nước ven đường


Trường phổ thông hai tầng khang trang rộng rãi.


Khu dân cư chính của Thu Lũm.


Ở đây có 2 trạm BTS của Viettel và Vinaphone chạy bằng máy nổ 24/24  

Khu ký túc xá của học sinh nội trú.


Một lô cốt ở trên một cao điểm chắc cũng mới được làm. Theo tôi hiểu thì phía bên dưới đồn Thu Lũm có một hệ thống hầm ngầm, công sự rất kiên cố và phức tạp dẫn đi nhiều hướng (bí mật quân sự).


Hai mẹ con người Hà Nhì


Tôi cầm mấy gói kẹo vào chơi với tụi trẻ ở nội trú trong trường. Vào một phòng, bọn trẻ nhìn thấy tôi liền trốn vào góc.


 Vừa trốn vừa cười như nắc nẻ, tôi đưa cho chúng một gói kẹo, một đứa đưa hai tay ra nhận và cảm ơn tôi rất ngoan rồi lại rúc đầu vào trốn với các bạn.


 Lang thang ra phía đằng sau.


Có khá nhiều trẻ em học nội trú ở đây, không hiểu sao thấy con gái lại nhiều hơn con trai, 100% là người Hà Nhì  

Đằng sau cũng là khu bếp của ký túc xá. Khu bếp rất đơn sơ có vách bằng gỗ với chừng 8 cái bếp củi nhỏ.


Mấy đứa trẻ đang nướng măng rừng ăn chơi thì phải, nhìn thấy tôi cầm máy ảnh, bọn chúng bỏ chạy hết cả.


Trên vách bếp thấy chi chít chữ, chắc bọn trẻ vừa đun bếp vừa viết nghịch lên đó.


Bọn trẻ ở đây phân công nhau lần lượt nấu cơm hàng ngày.


Hôm nay chắc đến phiên mấy cô bé này nấu cơm.


Trong nhà ăn, thức ăn đang được dọn ra.


Không rõ đây là cô giáo hay chỉ là người nấu bếp lo bữa cơm cho bọn trẻ, chỉ biết chắc chắn là người Hà Nhì.


Một món ăn rất lạ gồm cơm, mỳ tôm và trứng trộn với nhau.


Vét nồi


Chia cơm vào chậu.


 Ngoài sân, bọn trẻ đang chơi đùa khá đông, ở đây phải có đến 15 phòng cho học sinh và chừng 6 phòng cho các thầy cô giáo. Tôi tranh thủ vào thăm nói chuyện với các thầy cô giáo trong trường, tặng chút quà nhỏ, gặp hai vợ chồng cô hiệu phó còn khá trẻ ở đó. Thường những giáo viên lên vùng xa này khá khó khăn về vấn đề tình cảm, gia đình, cô nào may mắn như cô hiệu phó thì sẽ lấy được chồng cũng là giáo viên ở cùng trường, còn không thì toàn phải ở một mình chả biết đến bao giờ.


 Mấy cô giáo trẻ vẫn còn vô tư, đang tranh thủ ra làm mấy hiệp bóng chuyền.


 Cơm đã dọn xong, bọn trẻ xếp hàng ngoài cửa đợi đến lượt vào lấy thức ăn mang về phòng chén.


Cứ lần lượt, không được chen lấn xô đẩy.


Tác phong như quân đội vậy.


  Nhà ăn này chính là công trình của đồn biên phòng Thu Lũm làm tặng trường.


Loanh quanh một lúc thì có một anh lính biên phòng sang gọi chúng tôi về ăn cơm, thôi chết, đã đến giờ ăn rồi, phải về ngay thôi không cả đồn lại đợi. 

Trời đã về chiều với những bóng mây xám trên bầu trời, hi vọng là ngày mai sẽ không mưa để chúng tôi còn tiếp tục hành trình khám phá Thu Lũm.


Lúc về, tôi đi ngang qua ngôi nhà này, giờ mới để ý là nhà tạm giam của đồn biên phòng. Ở đây, bộ đội biên phòng đảm nhận cả công việc của công an, giữ gìn trật tự an ninh của khu vực. Tuy nhiên tôi thấy nhà tạm giam này có vẻ đã lâu không được sử dụng.


Về đến nhà ăn thì cơm nước đã được dọn ra, rất ngăn nắp và quy củ, tác phong chính quy của quân đội có khác.


Hôm đó, các anh bộ đội biên phòng Thu Lũm chiêu đãi chúng tôi món Dúi giả cầy cực ngon. Lại không thể từ chối được những chén rượu chan chứa nghĩa tình. 


Ăn uống được một lúc thì pva và longnuot khiếp quá trốn về ngủ trước, còn tôi ở lại ngồi với các anh biên phòng đến cuối. Cũng may ở đồn Thu Lũm, các anh uống không nhiều nên cuối cùng cũng chỉ còn tôi với anh Cường đồn phó ngồi lại tâm sự với nhau. Anh Cường vốn người gốc ở Sơn Tây, anh trông có vẻ cũng đứng tuổi nhưng tính tình rất hiền, dễ nói chuyện và tình cảm. Anh Cường cũng đã từng là người lính chiến đấu chống lại quân bành trướng từ năm 79, ngồi tâm sự với tôi, anh kể lại những lịch sử chiến đấu năm xưa, những thay đổi của khu vực này, chuyện về đàm phán phân định biên giới tại đây, những địa điểm đáng chú ý và rất nhiều thông tin quý báu...

Tôi cũng trình bày với anh Cường về kế hoạch ngày mai của chúng tôi. Buổi sáng, chúng tôi sẽ đi thăm quan Hòn đá trắng, sau đó ra cửa khẩu U Ma Tu Khoòng chơi. Đến chiều, pva và longnuot có việc phải về Hà Nội sớm sẽ đi về Điện Biên trước, còn tôi sẽ đi trekking vào bản Là Si một mình, thăm bà con La Hủ ở đó, ngủ lại một đêm trong bản rồi sáng hôm sau sẽ trekking về.

Nghe tôi nói muốn đi Là Si, anh Cường trợn tròn mắt hỏi tôi là xa lắm đấy, phải leo núi băng rừng mất nửa ngày, liệu có đi nổi không. Dạo trước có anh nhà báo đi vào đó mà vừa đi vừa khóc vì mệt quá. Tôi chỉ cười và nói là em sẽ cố, chắc không đến nỗi thế đâu.

Cũng phải nói là các anh biên phòng ở đây có vẻ không tin là tôi đi chơi du lịch lắm vì chưa thấy ai đi lên đây chơi lại lần mò vào Là Si cả, hơn nữa thấy tôi trang bị đến tận răng như lính biệt kích và có giấy giới thiệu của Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng Lai Châu nên các anh ấy lại càng nghi.

Tuy nhiên, anh Cường cũng hứa là ngày mai sẽ bố trí người để dẫn chúng tôi đi tất cả những địa điểm đó, cứ yên tâm nghỉ ngơi. Tôi sướng quá, cám ơn rối rít rồi chào anh Cường về phòng. 

Tôi về phòng lấy thêm mấy gói kẹo rồi lại đi sang ký túc xá của bọn trẻ con chơi. Vì thấy bọn chúng có vẻ sợ cái máy ảnh của tôi nên tôi không mang máy đi theo nữa, chỉ định sang chơi nói chuyện cho vui.

Tối hôm đó tôi ngồi gần hai tiếng đồng hồ ở ký túc xá với bọn trẻ, ngồi nói chuyện với bọn chúng rất vui, khá thông minh, dí dỏm và vô tư. Bọn trẻ ở đây được bao cấp toàn bộ tiền ăn ở và học phí, giấy bút, sách vở. Tôi cũng động viên bọn chúng cố gắng học cho tốt để sau này được làm cán bộ, được đi đây đi đó vui lắm.

Nói chung với điều kiện như thế này thì việc theo kịp được tốc độ phát triển dưới miền xuôi là việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn chứ không đơn giản. Chơi với bọn trẻ đến 10h đêm, tôi trở về đồn đi ngủ, chuẩn bị cho cuộc hành trình quan trọng nhất trong chuyến đi này của tôi vào ngày mai - vào bản Là Si thăm tộc người La Hủ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét