Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Hành trình dọc sông Hồng tới cửa Ba Lạt phần 5

8h00:
Rời lớp học kinh để đi sang một nhà thờ khác.

Phải nói là một tuyệt tác kiến trúc.
Mặt trước


Mặt bên


Phía trước là một sân rộng có hai hàng cột đèn để làm lễ buổi tối


Cận cảnh một cây cột


Trước cửa nhà thờ có một lũ trẻ đang túm tụm chơi với nhau


Những nụ cười thật hồn nhiên


Những con chiên ngoan đạo trong tương lai của vùng đất này


Hai đứa bé con này thật đáng yêu, đi đâu cũng dắt tay nhau rất thân thiết


8h30:
Không có nhiều thời gian để có thể đi thăm hết các nhà thờ trong xã, phải đi ra đầm chơi thôi.

Một nhà thờ khá lớn và đẹp khác nhưng mình không có thời gian để vào


Giáo xứ Hoành Đông - giáo phận Bùi Chu


Chạy theo bờ đê sông Hồng để ra đầm. phía trước là cửa Ba Lạt


Đồng lúa chín vàng chưa gặt của xã Giao Thiện, chỉ một góc này thôi đã nhình thấy 4,5 cái nhà thờ, có cái còn đang xây dở dang. Thật không thể tưởng tượng nổi một xã có tới 16 cái nhà thờ.


Đường bên trong đầm, qua một cái cống điển hình.


9h30:
Lang thang trong đầm một hồi tạt qua mấy chòi canh ngồi chơi với các bác dân địa phương tìm hiểu thực tế, đi đến đoạn sâu nhất thì gặp một ngôi nhà khá lớn mình bèn phi xe chui tọt vào bất chấp bốn năm chú chó xông ra sủa ầm ỹ.


Một ngôi nhà đơn sơ để canh đầm với mái lợp lá, một cái bếp.

Vứt tạm cái xe ở sân


Mấy chú chó thấy không dọa được tôi lại ra lân la làm quen


Mình nhìn thấy có bóng người tít phía trong liền đi sâu vào, thấy một bác chừng 60 tuổi đang đi vào trong đó, hai bên đường là hai dãy tổ ong mật xếp hàng ngay ngắn.


Cống thoát nước của đầm này được ngăn bởi nhiều lớp lưới lọc


Có một bác tên Sơn đang ngồi cho ong ăn, hay quá, mình chưa được xem cảnh này bao giờ, ong mật bay vù vù xung quanh, chỉ sợ bị chúng đốt thì toi.


Cũng may là giống ong mật này rất hiền, chúng bay đập bôm bốp vào người mình nhưng chẳng đốt phát nào.

- Chào anh, anh đang làm gì đấy ạ.
- Dạ em đang cho ong ăn phấn hoa.
- Sao lại phải cho ăn phấn hoa hả anh?
- À vì đợt vừa rồi trời mưa nên ong hơi bị thiếu phấn hoa, em phải bổ sung thêm.
- Thì ra trong cái xô nhựa này là phấn hoa đấy

- Bây giờ đang mùa hoa sú vẹt, ong tha hồ hút mật nhỉ, thế khi hết mùa hoa thì chúng ăn bằng gì?
- À, hết mùa hoa em lại mang ong về Hưng Yên.
- Ô hay nhỉ, thế là anh lại chở hết cả tổ ong đi à?
- Vâng, chỉ để ở đây vài tháng rồi mang đi hết
- Thế có bị hao hụt mất mát không?
- Không, chẳng bị hao hụt gì đâu
- Hay nhỉ, hóa ra nuôi ong này giống như chăn bò, ăn hết chỗ này lại sang chỗ khác
- Vâng, em còn mang cả vào miền Nam ấy chứ.

Tổ ong mật thực chất là một cái hòm bằng gỗ, bên trong có các khay nhỏ


Nhìn cảnh này lại nhớ đến phim hoạt hình "Bee movie", họ làm phim giống thật.


- Anh ơi con ong chúa thì ở chỗ nào?
- Em cũng đang tìm đây
- Mỗi tổ chỉ có một con ong chúa thôi phải không?
- Vâng chỉ có một con
- Thế ong đực đâu?
- Ong đực giao phối xong là bị đuổi ra khỏi tổ và chết
- Ôi khổ thân nhỉ

Tìm mãi chẳng thấy con ong chúa đâu trong hàng vạn con ong này


A đây rồi, thấy ong chúa rồi


Hóa ra ong chúa nó dài hơn ong thợ một chút, toàn thân màu vàng chứ không khoanh đen khoanh vàng như ong thợ


Theo các nhà khoa học thì ong chúa thường giao phối với ít nhất mười con ong đực một lúc, khủng khiếp thật. 

10h15:
Đi vào trong nhà thấy bác lúc nãy đang nằm khoèo trên võng



Ông chủ đang lơ đãng ngắm cái mái nhà


- Chào chú, cháu ở Hà Nội lên đây chơi tham quan, chú đang ở đây trông đầm à?
- Vâng, có thằng cháu nội nữa, bà nhà tôi cũng đang trông một cái đầm khác.
- Thời tiết năm nay thuận lợi thế này thì thu hoạch tốt lắm chú nhỉ?
- Vâng cũng tàm tạm. Thế anh đi có một mình à? Cái xe trông oách quá nhỉ
- Cũng thường thôi ạ, Hà Nội hay bị ngập nên cháu phải đi cái xe nó cao một chút.


- Nhà chú vẫn còn cái đèn măng sông hay ghê nhỉ.
- Ờ, cái đèn này ngày xưa đốt bằng xăng nhưng giờ tôi chế thành đốt bằng ga rồi.


- Kinh nhỉ, chú xài sang thế, dùng ga để thắp đèn à.
- Hê hê, chúng tôi ở đây được dùng ga thoải mái, không mất tiền mà.


- Ơ hay nhỉ, ở đây được nhà nước tài trợ hả chú?
- Tài trợ gì đâu, cứ khoan xuống đất là có ga đun nấu thoải mái.


- Ô thế à, khoan ở đâu hả chú chỉ cho cháu xem nào
- Kia kìa, ở dưới đầm đấy

Dưới đầm có rất nhiều con còng biển đỏ au, bắt con này mà nấu canh thì ngon tuyệt.


À đây rồi, trông như cái giếng khoan ở Hà Nội, có ống nhựa dẫn vào trong nhà.


Thì ra, dưới lòng đất khu vực này là cả một mỏ khí đốt lớn, bà con mình chỉ cần khoan xuống độ hơn chục mét, thả ống xuống dẫn khí đốt lên là đun nấu thoải mái, sướng thế không biết.

Khí đốt được dẫn vào một bể chứa như kiểu bioga rồi dẫn vào trong bếp để đun, dẫn vào đèn măng sông để thắp sáng.


- Cháu xin lỗi chứ chú tên là gì ạ?
- Tôi tên là Trần Khánh
- Năm nay chú bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Tôi năm nay 60
- Chú ơi sau này cháu dẫn thêm mấy người bạn lên đây chơi chú cho cháu ở nhờ nhé.
- Ối tưởng gì, đơn giản, cứ điện thoại trước cho tớ nhé.
- Thế anh cu này học lớp mấy rồi?
- Cháu nó lên lớp 7, bố nó sinh năm 74 đang đi Hàn Quốc, được 3 năm rồi, còn 3 năm nữa mới về.

- Thế có nhớ bố không
- Dạ có ạ
- Này, kiếm cái cần câu ra đầm câu cá đi
- Vâng, để cháu đi lấy
- Câu bằng mồi gì đây?
- Câu bằng tôm chú ạ
- Ối giời ơi, câu bằng tôm thì khéo mồi còn đắt hơn cá
- Cháu câu chơi thôi, câu lên xong có khi lại thả xuống, ở đây mèo cũng chẳng thiết ăn cá nữa.

10h30:
Mình vác cần ra chỗ cửa cống ngồi câu, có vẻ rất nhiều cá nhưng bọn chúng rất tinh ranh, toàn rỉa hết mồi của mình mà chẳng bắt được con nào. Có lẽ đến hơn 20 năm rồi mình mới ngồi câu cá thế này.

Oái, được một con rồi, hê hê, giãy khỏe thế, nhìn này, con cá trông rất lạ, mình chưa nhìn thấy bao giờ, có những sọc màu vàng trên lưng.
- Này Cò, con cá này là cá gì vậy?
- Cá này ở đây gọi là cá cọp ạ, chú cẩn thận kẻo cái vây lưng nó đâm vào tay là thối tay đấy.


Thế à, thôi cháu gỡ hộ chú cái.


Hí hí, bỏ vào túi lưới rồi lại ngâm xuống nước.


11h00:
- Chú Khánh ơi
- Gì đấy?
- Ở đây buổi trưa có gì ăn được không chú?
- Chúng tôi ở đây ăn uống đơn giản lắm, chỉ có cơm với canh rau thôi, dưới đầm thì lúc nào cũng có tôm với cua, muốn ăn thì xuống bắt.
- Chú ơi cho cháu xuống đầm bắt mấy con cua lên để ăn trưa nhé.
- Đơn giản, để tôi đi lấy cái bè, còn thằng Cò lấy cái thuyền tôn chở chú ra đầm nhé.

Hí hí, sướng quá, sướng quá.

Oái, cái thuyền tôn bé tý như cái thuyền để hái rau muống ngày xưa, tôi với thằng Cò ngồi lên đây mà lật thì khốn, thôi đành để máy ảnh trên bờ vậy, nhỡ có lộn cổ xuống đầm thì chỉ bị ướt thôi.

Khoác tạm cái áo sơ mi mượn của chú Khánh, móc chiếc mũ trong ba lô ra, mình nhảy lên chiếc thuyền tôn ngồi chênh va chênh vênh chỉ chực lật ùm xuống đầm.


Hai chú cháu cầm hai que tre loay ha loay hoay chèo ra được một đoạn rồi cứ quay tròn


Chú Khánh nhặt mấy cái túi lưới rồi nhảy lên đứng trên cái bè làm bằng mấy tấm xốp chống sào đi vun vút trên mặt đầm, thoáng một cái đã đi ra tít xa.
Thằng Cò sốt ruột vì chèo mãi không đi được liền cầm cái dây buộc thuyền nhảy tòm xuống đầm lôi thuyền đi theo ông. Hóa ra là nước trong đầm rất nông, chỉ ngập tới bụng thằng Cò.

Luồn lách một hồi qua các bụi sú vẹt thì hai chú cháu cũng ra tới chỗ chú Khánh thả lờ.

Cái đầm này vốn là chú Khánh thuê của địa phương, hợp đồng cứ ký 10 năm một. Sau khi được giao thì phải tiến hành quai đầm tức là đào đắp sang sửa, lắp đặt hệ thống cống tưới tiêu theo thủy triều, đắp bờ làm đường, đại loại là làm sao để tạo ra môi trường tốt nhất cho thủy hải sản phát triển đồng thời không làm biến đổi hệ sinh thái của đầm, bảo toàn các cây của rừng ngập mặn.

Ở đây chủ yếu là nuôi tôm và cua, cách nuôi thì cũng rất đặc biệt là nuôi theo kiểu tự nhiên, tức là chú Khánh chỉ mua con giống thả vào đầm, rồi tôm cua cứ tự tìm thức ăn trong đầm mà lớn chứ không cho ăn theo kiểu công nghiệp. Vì nước ở đây ra vào đầm theo thủy triều nên môi trường rất sạch, hoàn toàn tự nhiên, cách thức này gọi là nuôi quảng canh. Hơn nữa vì môi trường như tự nhiên nên tôm cua cũng có thể tự sinh đẻ, nhân giống trong đầm nên cũng giảm bớt lượng con giống phải thả, đồng thời có thể khai thác quanh năm mà không phụ thuộc vào mùa vụ như nuôi thâm canh.

Để đánh bắt, chú Khánh thả dưới đầm một hệ thống lờ. Hệ thống lờ này rất đặc biệt bao gồm các khung bằng sắt kích cỡ khoảng 20x30cm, xung quanh là lưới mắt dày, khung nọ cách khung kia cỡ 40cm tạo thành các ô, mỗi hệ lờ dài chừng 4m gồm rất nhiều ô, ở hai đầu thì dùng dây ni lông buộc túm lại. Ở mỗi ô lại có 2 cửa nhỏ cỡ 10cm cấu tạo hình phễu cũng bằng lưới, cấu tạo này làm cho con tôm, cua chui vào mà không chui ra được. Với cấu tạo như vậy, khi để bắt tôm cua thì người ta căng lờ ra thả xuống nước, khi dùng xong lại xếp gọn lại mang lên bờ.

Lờ được thả căng ở sát đáy đầm ở những vị trí đã được định sẵn theo kinh nghiệm. Những con tôm, con cua bò lang thang dưới đáy đầm sẽ gặp những cửa lờ và chui vào lờ mà không ra được. Chú Khánh sẽ đợi đến giờ mà bọn chúng hay đi kiếm ăn để ra nhấc lờ. Khi nhấc lờ lên nếu có tôm cua, chú sẽ dốc chúng về phía đầu rồi tháo dây bắt ra, những con nào đủ kích cỡ để bán sẽ được bắt về, con nào còn nhỏ thì được thả ra.

Thực ra giờ để đánh bắt chính là cuối giờ chiều, lúc tôm và cua trồi lên khỏi bùn để đi kiếm ăn, tuy nhiên giờ trưa này cũng có thể vẫn bắt được một vài con để ăn.

Lúc mình và thằng Cò đuổi kịp chú Khánh thì chú đã nhấc được hai lờ rồi nhưng chưa bắt được con nào đủ kích cỡ để ăn cả. Cả ba lại chống thuyền đi sang lờ khác. Đến cái lờ này thì tôi may mắn trúng quả vì vớ được một chú cua bể to tướng vừa mới lột vỏ xong. Cái món này phải nói là rất hiếm vì chỉ cần vài giờ nữa là cái vỏ mới sẽ cứng lại và ăn không ngon như vừa mới lột. Chú cua đen đủi vừa lột người vẫn còn mềm oặt như bún không cử động được gì nên chẳng phải trói, cứ thế bỏ vào trong thuyền.

Sang một lờ khác lại vớ được một chú cua bể to đùng và dăm con tôm sú, chú Khánh chỉ nhặt con cua ra, lấy dây trói lại bỏ vào túi còn thả hết mấy con tôm kia đi. Đi loanh quanh thêm hai cái lờ nữa thì ba người đã túm được năm chú cua to, thế là thừa để ăn trưa.

11h30:
Ba người sau khi thu hoạch được một túi cua bể to thì chống thuyền trở về để chuẩn bị đánh chén.

Khoe thành tích cái


Còn đây là chú cua vừa mới lột vỏ



Lúc này thì vợ chú Khánh cũng về, chuẩn bị nấu cơm cho mọi người ăn.

- Cháu ăn mấy con cua nào, ở đây mọi người không ai ăn cua đâu vì ăn nhiều quá rồi, nhìn là phát sợ.
- Chắc cháu chỉ ăn hết 2 con cua to với 1 con cua lột kia thôi.

Cân thử 2 con cua xem đước mấy cân cái nào.


Thế là trưa nay được bữa hoành tráng có cua bể luộc, cua lột rán và bia lon. 

12h15:

Món đầu tiên được mang lên, cua bấy chiên dòn, ngon dã man. cứ việc xé cua ra mà chén, chẳng cần phải bóc vỏ, thịt cua tươi ngọt và thơm hết xảy, lần đầu tiên mình được ăn cua lột ngon như thế này.



Mình chén hết con cua lột thì vợ chú Khánh cũng bê ra hai con cua luộc đỏ au.


Ngại quá, chẳng ai ăn cua cả, chỉ có mỗi mình mình ăn.

Anh cu này rất ra dáng người lớn, ngoan và tình cảm với ông bà.


Anh Sơn chăn ong này thì lành như đất, nói mãi mới ra được một câu. Chỉ có chú Khánh là hay chuyện, hóa ra trước kia chú cũng công tác ở Ban quản lý VQG.


Bóc hai con cua luộc ra, thịt cua giòn và ngọt thế không biết, khác hẳn ở những hàng hải sản ở Hà Nội.


Làm miếng đùi cua nào, hê hê...


Thôi thì cũng cố mà ăn cho hết hai con cua chắc nịch, kiểu này mà ở đây vài hôm nữa chắc thể nào cũng bị ve ry gút.


13h30:
- Cháu ăn cơm nhé?
- Dạ cho cháu xin một bát


Ái chà, gạo mới thơm ngon quá, ăn như gạo nếp, ngọt lịm.


Chan với canh rau cải nào.


14h00: Ăn cơm xong, mọi người ngồi uống nước nói chuyện.

Anh Sơn này có vẻ khá thân thiết với gia đình chú Khánh.


Ở đây, tôm cua sẵn quanh năm nên mọi người ăn mãi cũng chán, họ chỉ thích ăn rau và thịt lợn, thịt bò. Thậm chí đến chó mèo ở đây cũng chán hải sản. Nhà chú Khánh có một đàn mèo nhưng tôm cá phơi đầy sân bọn chúng cũng chẳng thiết ăn. Đàn chó cũng vậy.


Vứt cho hắn một miếng cua


Lại cua à, chán thế

 
Không có gì khác ngoài cua à?


14h30
Hỏi anh Sơn để lại cho mình hai chai mật ong, thứ mật ong hoa sú vẹt này rất ngon, rồi xin phép chú Khánh tính tiền để lên đường đi thuyền ra rừng ngập mặn chơi.


2.5 lít mật ong cộng với 3 con cua, bia, cơm canh hết 390.000 đồng. Rẻ giật cả mình.
Chào cả nhà, mình lên đường ra thẳng chỗ bến thuyền cách đó chừng 1km.

7 nhận xét:

  1. Anh ơi lần sau là khi nào anh đi, cho em đi với. Thích quá! Anh cho em xin yahoo hoặc sdt để liên lạc được không? em google search đoc được bài này của anh thôi. Hi vọng được làm quen với anh!

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn,
    Bạn có thể email cho mình theo địa chỉ battramdao@gmail.com chỉ sợ đi lần mò như mình rất vất vả và mất thời gian thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Hi hi Mình quê gốc Giao thiện đây, Lâu lắm không về quê, đọc bài viết của bạn thú vị thật. Nhà mình ở gần ngay nhà thờ Hoành Đông như trên ảnh đó.

    FB: quyetdv@acad.vn

    Trả lờiXóa
  4. minh o cuoi nha tho hoanh dong day dang hoc o da lat nho we wa cam on moi nguoi Hanh 0974813012

    Trả lờiXóa
  5. cảm ơn anh về câu chuyện thú vị

    Trả lờiXóa
  6. quả thực đi qua cống điển hình đó, bác cũng là người điển hình của sự dũng cảm

    Trả lờiXóa
  7. Anh Bát Trảm Đao giờ ít viết nhỉ. Em theo dõi các bài viết của anh từ những ngày đầu. Đến giờ vẫn thích đọc. Thích cách đi của anh, chạy xe, trải nghiệm, tìm hiểu và hòa mình với mọi thứ xung quanh. Rất mong một ngày được chạy cùng trên các tuyến đường :D

    Trả lờiXóa