Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Vãn cảnh Hồ Thiên, tham vấn thiền sư phần 5

Thực ra trong suốt chuyến đi, ba anh em chúng tôi chỉ nói chuyện về Đạo Phật và Thiền Tông, có lẽ cũng nên giới thiệu đôi nét về Thiền Tông để mọi người có thêm chút hình dung. 

Thiền tông do Bồ Đề Đạt Ma, người Nam Thiên Trúc qua Trung Quốc sáng lập nên và là Sơ Tổ. Do không hợp pháp duyên với Lương Vũ Đế, Ngài đã lên núi Tung Sơn đến Thiếu Lâm Tự và trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm Tự sau này. Bồ Đề Đạt Ma thấy các nhà học Phật phần nhiều đều chấp văn tự, chấp những điều Thấy, Nghe, Hiểu, Biết mà thành ra chướng ngại cho việc tu chứng, nhận lầm văn tự trong kinh điển là Chân Lý nên Ngài lập ra thuyết Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, dạy người ngồi yên lặng lìa tâm niệm để tỏ tâm kiến tính.

Thiền Tông từ Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ truyền đến Tổ thứ sáu là Huệ Năng (thường gọi là Lục Tổ Huệ Năng) sau đó thì chia ra làm năm tông:

Tông Lâm Tế, Tông Tào Động, Tông Quy Ngưỡng, Tông Vân Môn, Tông Pháp Nhãn. Từ thời Tống về sau, các tông đều suy tàn, riêng tông Lâm Tế là thịnh hơn cả.

Người tu Thiền thoát ly ngũ dục, thì thân tâm khoan khoái vui mừng vô hạn tức là đat:
Ly sinh hỷ lạc địa của Sơ Thiền
Từ Sơ Thiền, nếu tâm không còn dính dáng với ngũ dục, thân tâm vui mừng trong định thì đạt:
Định sinh hỷ lạc địa của Nhị Thiền
Ở Nhị Thiền, thấy cái vui mừng, trước còn thô động gạt bỏ vui mừng đó, chỉ hưởng sự khoan khoái êm dịu thì đạt:
Ly hỷ diệu lạc địa của Tam Thiền
Ở Tam Thiền, thấy vui chỉ là đối đãi với khổ mà có, gạt bỏ cái vui, giữ tâm thanh tịnh thì đạt:
Xả niệm thanh tịnh địa của tứ Thiền

Tịnh Độ Tông và Thiền Tông là hai tông được nhiều người theo nhất, từ đời Minh đến nay, trong các đại tùng lâm, các nơi tu theo phương pháp tham thiền tức là Thiền Tông đều kiêm tu cả niệm Phật, tức là Thiền, Tịnh song tu. 

Đúng 5 giờ chiều thì ba anh em tới ngã ba này, lại có một mẩu giấy đánh dấu đường của nhóm đi trước.


Con đường mòn dẫn chúng tôi vào một vườn vải rất rộng


Đây là một thung lũng, được bao bọc bởi núi rừng xung quanh

Ngày xưa ở đây chắc là rừng thông, nay thông đã bị đốn hết để trồng vải, gốc thông cũ vẫn còn trơ ở đó


Một ngôi nhà hoang cạnh đường đi
  

Hộp bánh quy của nhóm đi trước vừa bỏ lại vẫn còn đến 1 phần 3


Một đống rác to và ni lông trải nghỉ chân của họ còn nguyên đó


Ra khỏi vườn vải, chúng tôi rẽ phải để đi tiếp


Đường đi qua mọt trảng cỏ rất rộng
  

Tịnh không có một bóng người để hỏi thăm


Chỉ có núi rừng, cây cối yên lặng như tờ


Qua hết trảng cỏ này đến trảng cỏ khác


Đường vẫn gập ghềnh xa lắc


Lên một con dốc đá


Rồi lại trảng cỏ 


Có rặng cây xanh um


Lại đến một ngã ba, đi liều xem nào


5h30 chiều, đường vẫn không một bóng người.


Đường qua một con suối khá đẹp


Thì ra là mỏ than ở đây. Mỏ than khá lớn, có vẻ khai thác rất thủ công, tự phát, núi bị đào nham nhở


Đi một đoạn nữa thì gặp một nhà dân, tam huynh đi trước nhảy vào hỏi thăm. Hỏi han một lúc thấy tam huynh đi ra rồi xua tay, thôi xong rồi. Chúng tôi đã đi LẠC ĐƯỜNG.


Đến đây thì có lẽ xin quay lại với Thiền một chút.
Vậy thì Ngũ dục là gì mà Người tu Thiền thoát ly ngũ dục, thì thân tâm khoan khoái vui mừng vô hạn

Năm dục theo quan niệm của Phật Pháp là : sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Sắc là hình sắc xinh đẹp. Ví như là một cô gái xinh đẹp, một tràng trai khôi ngô tuấn tú, một bông hoa đẹp, một cái cây đẹp hay một phong cảnh đẹp... nói chung là những thứ mà ta nhìn thấy và cảm thấy đẹp.

Thanh là âm thanh êm tai. Đó có thể là lời khen ngợi khiến ta vui lòng, có thể là một khúc nhạc du dương, một tiếng hát say lòng, hay là một tiếng chim hót... tóm lại là những âm thanh mà ta nghe thấy thì cảm thấy thích thú, sung sướng.

Hương là hương thơm nồng nàn. Cái này thì dễ hiểu rồi, mùi nước hoa, mùi mỹ phẩm, mùi thơm của đồ ăn, thức uống... khi ta ngửi thấy thì có cảm giác thú vị.

Vị là vị ngon vừa miệng. Cái này thì là dễ nhất, cứ những thứ cho vào mồm thấy ngon, thấy khoái.

Xúc là xúc chạm ưng ý. Ví như ta chạm vào một chiếc áo lông mượt mà, hay được vuốt ve mơn trớn, đại loại là bằng xúc giác và đem lại cảm giác sung sướng.

Cuộc đời không thể hoàn toàn phủ nhận là không có thú vui của năm dục. Vì theo kinh nghiệm cảm quan của căn thức con người, thì năm dục quả có thể dẫn đến hỉ lạc tạm thời, không triệt để. Người ta vì nó mà không tự chủ, bị mê hoặc, suốt ngày làm nô lệ cho năm dục, tham cầu vọng tưởng khiến cuộc sống không lúc nào được tự tại, an lạc.

Năm dục đối với người như mật ngọt dính trên lưỡi dao, không đủ cho một bữa ăn ngon. Nhưng trẻ con vì không biết sự tai hại của nó, nên đưa lưỡi ra liếm, phải chịu tai họa đứt lưỡi !

Ngũ dục gây cho người tai họa to lớn như vậy, cho nên : Tuy là người thế tục, nhưng không nhiễm dục lạc. Người Phật tử tại gia sống trong vòng thế tục mà đoạn trừ ngũ dục là việc khó thể làm được. Tuy nhiên, chỉ cần không bị dục lạc của thế gian ô nhiễm là được thành tựu rồi. 

Để đối phó lại tác hại của Ngũ dục thì Phật chế định ra các Giới Luật, Giới Luật thì lại được chia làm 2 loại cho 2 đối tượng là Người tu tại gia và Người tu xuất gia, với người tu xuất gia thì có rất nhiều giới (10 giới, 250 giới, 348 giới tùy theo Sa di, Tỷ khưu hay Tỷ khưu ni). Ở đây ta chỉ xem đến Giới Luật cho người tu tại gia:

1. Không sát hại
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói sai sự thực
5. Không uống rượu

Năm giới này là căn bản làm người. Đại sư Thái Hư từng nói : Nhân cách thành tựu thì Phật thành tựu. Làm người nếu làm tốt đẹp, thì việc tu học theo Phật Pháp tự nhiên cũng thành tựu. Làm người tốt đẹp thực ra cũng không phải là việc dễ dàng gì.
Như nhà triết học cổ Hy Lạp Socrates ban ngày cầm đuốc đi ngoài đường. Ai hỏi ông làm gì, ông đều trả lời :

- Tôi muốn tìm xem có ai là Người trên đời này không !

Người gìn giữ năm giới trên đời này rất ít, mà kẻ giữ được trọn vẹn lại càng ít hơn !  

Quay lại với việc cúng tôi đã đi Lạc Đường, lúc đó đã là 6 giờ chiều, trời đã bắt đầu xẩm tối. Chúng tôi đã đi sai đường ngay từ đoạn ở vườn vải, đáng lẽ phải rẽ trái thì chúng tôi lại rẽ phải. Như vậy là chúng tôi đã đi lạc mất gần 3km, cả đi và quay lại thành ra xa thêm mất 6km nữa. Nếu chúng tôi đi đúng đường thì giờ này đã có thể ở trên Hồ Thiên rồi, còn bây giờ chắc sẽ phải tối mịt mới đến nơi.
Tu tập hay leo núi cũng vậy không có người dẫn đường, không biết đường thì mọi công phu đều đổ xuống sông xuống biển, không đạt được thành tựu gì cả.
Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận quay lại và quyết tâm lên Hồ Thiên bằng được, bất chấp đêm tối. Tôi phát cho mỗi vị sư huynh một chiếc đèn pin để soi đường, lấy vitamin tổng hợp ra bỏ vào chai nước cho mỗi người uống vài hớp rồi lại tiếp tục hành cước quay lại vườn vải để tìm đường lên Hồ Thiên.

1 nhận xét:

  1. Đường xa thì mặc đường xa
    Có chân, có chí, sợ chi đường dài...
    (các anh khỏe thật, đi phăm phăm thế mà vẫn dừng lại chụp hình được, kính phục, kính phục ^^)

    Trả lờiXóa