Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Off road lên Hồng Ngài - Y Tý phần 14

Vẫn chỉ độc một loại cây đó, coi thường giá rét, băng tuyết mà sống sót.


Những loại cây bụi phía dưới đều đã chết rét hết cả.


Gần tới đỉnh núi rồi.


Càng lên cao sương mù càng đặc quánh.


Đỉnh núi đây rồi.


Một cảm giác rất an lạc, tự do tự tại khi được đứng trên đỉnh một ngọn núi.


Đứng trên đỉnh núi ngắm những thân cây kỳ lạ kia.


Loài cây này là loài cây đặc hữu chỉ có ở vùng Lào Cai này thôi. Vậy mà loại gỗ của cây này, Việt Nam lại nhập khẩu rất nhiều từ Mỹ để làm gỗ nguyên liệu. Giá của nó vào khoảng gần 10 triệu 1 mét khối.

Đáp án kỳ này là:

Tống quán sủi

Tống quán sủi - Alnus nepalensis D. Don, thuộc họ Cáng lò - Betulaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 10-15m, cành non có lông sát, cành già không lông, nâu. Lá có phiến bầu dục, dài 4-16cm, rộng 2,5-10cm mép nguyên hoặc hơi có răng, gân phụ 13 cặp, cuống 1-2cm, lá kèm sớm rụng. Hoa đực họp thành cụm hoa đuôi sóc dài 12-16cm; 3 hoa ở nách một, lá bắc; nhị 4. Hoa cái thành bông ngắn 5-8 cái ở nách lá, bầu 2 ô. Cụm quả dạng chuỳ cứng; quả thuôn bầu dục dẹp có cánh mỏng; hạt 1.

Bộ phận dùng: Vỏ thân - Cortex Alni Nepalensis.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ , Nêpan, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở trong rừng khô vùng Sapa (Lào Cai).

Thành phần hoá học: Vỏ chứa 7% tanin.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, chát, tính mát; có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, thanh nhiệt giải độc, thư cân hoạt lạc, khư phong trừ thấp, chỉ tả.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng vỏ chữa thủy thũng, lỵ trực khuẩn, ỉa chảy, viêm phổi, phong thấp đau nhức xương, gãy xương, đòn ngã tổn thương, lở sơn; có nơi còn dùng chữa viêm gan, chảy máu mũi.

Câu đố tiếp theo, các bạn có 30 giây để trả lời.

Cây Tống Quán Sủi ở đây được dùng để làm gì, tại sao lại được cắt tỉa gọn gàng như vậy?

Nếu trả lời được câu hỏi này, bạn là người cực kỳ am hiểu về cuộc sống của người dân ở Hồng Ngài. 

Độ cao của đỉnh núi này là: 1.616m. Chỗ này chỉ cách biên giới Trung Quốc có vài trăm mét. Cứ mải đi trek ở đây khéo lại đi lạc sang Trung Quốc thì toi.


 Đứng trên đỉnh núi nhìn sang một khu rừng khá rậm rạp.


Dù rất muốn tiếp tục khám phá khu rừng kia nhưng trời đã tối, tôi phải đi xuống không để mọi người đợi.

Một cành mận đầy hoa trên đường về.


Tôi quay về nhà A Súa thì thấy anh Khải và longnuot đứng ở cửa, cả hội tranh thủ lúc A Súa đang nấu cơm đi sang một nhà khác chơi.

Vào thử nhà này xem nào.


Có hai mẹ con đang ở trong nhà.


Chúng tôi chào hỏi rồi ngồi chơi nói chuyện với chị một lúc.

Quanh bếp thấy để 2 chậu bánh dày to tướng.


Có cả bánh hình tròn lẫn hình vuông.


Bánh dày của người Mông làm từ gạo nếp là thứ không thể thiếu được trong mỗi dịp tết. Bánh được làm xong thì hong khô cho cứng lại rồi ngâm trong nước để bảo quản hàng tuần. Khi ăn, họ sẽ rửa sạch chiếc bánh rồi hơ cạnh bếp lửa cho chín phồng lên, ăn rất thơm và dẻo.

Một rổ rau cải non chuẩn bị để ăn cơm. Món này thì ở Hà Nội cũng có. Có thể nấu canh hoặc ăn sống cũng được.


Ngô gác bếp đầy bồ hóng, cái này chỉ dành cho gia súc, gia cầm ăn thôi.


Ngô này thì chắc dụ trữ để người cũng có thể ăn được.


Nhà chị này treo rất nhiều thịt lợn, chứng tỏ gia đình cũng có điều kiện đây. Món thịt treo này bắt buộc phải có khói và ở vùng lạnh thì mới để được, mang về xuôi là chảy nước ngay.


Một miếng thịt mỡ treo để cho trâu ăn chống rét trong những ngày băng giá không kiếm được thức ăn.


Gạo của người Mông đây, hình như nó được gọi là gạo Chí Chuổm thì phải. Chỉ có giống lúa này mới chống chịu được thời tiết nơi đây. Gạo này ăn cũng rất dẻo và ngọt, vô cùng hiếm dưới miền xuôi.


Nói chuyện một lúc, chúng tôi lại đi sang thăm một gia đình khác. Chị chủ nhà còn tặng chúng tôi một túi bánh dày để mang về ăn, thật là quý hóa.

Nhà có một đàn lợn Mèo, loại lợn đặc sản ngon tuyệt vời mà cả đội đã được thưởng thức ở Nghĩa Lộ.


Người Mông nuôi lợn này chủ yếu để thịt trong những ngày lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ chứ không nuôi để bán thương mại. Năng suất rất thấp nhưng được cái là lợn rất khỏe, ít bệnh tật và chịu được rét.

Nhà có một đàn ngan Mèo nữa, loại ngan đặc chủng này chắc là thịt rất ngon đây, vớ được một con này mà đánh tiết canh thì tuyệt vời. longnuot cứ gạ chủ nhà bán cho một con về thịt mà không được.


Vào trong nhà thấy một bác đang ngồi nấu rượu thóc.


Bây giờ tôi mới để ý thứ này.

Đây là cây cột cái trong nhà của người Mông, nó nằm ở vị trí gần bếp lửa, đối diện với bàn thờ và cửa ra vào.


Cây cột cái này rất linh thiêng đối với người Mông, khi một đứa trẻ ra đời, họ sẽ chôn dây rốn của đứa trẻ dưới cây cột này và tin là nhờ vậy đứa trẻ sẽ được các bậc thần linh bảo vệ. Người Mông kiêng kị việc chặt, chém hay làm những việc bất kính với cây cột này.

Bàn thờ của người Mông, một tờ giấy bản có gắn mấy cái lông gà ở trên. Vô cùng đơn giản.


Xem gác bếp có cái gì nào.

Có mấy bộ xương lợn từ bao giờ.


Hình như cả xương trâu.


Chân cẳng móng guốc trâu.


E hèm, mấy cái này không xơi được.


Thịt treo đây rồi.


Cả cái món lòng lợn phơi khô đây nữa. Chứng tỏ là mặc dù giá rét kinh hoàng, bà con nhân dân Hồng Ngài vẫn ăn tết rất to.


Ngồi nói chuyện thăm hỏi một lúc, bụng đã bắt đầu sôi sùng sục, chúng tôi xin phép gia chủ rồi mò về nhà A Súa xem cơm nước thế nào rồi, toàn ngắm thịt treo mà chưa được ăn, thèm quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét