Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Off road lên Hồng Ngài - Y Tý phần 18

Đến đây, qua Ngải Trồ khoảng hơn 1 cây số, chúng tôi không đi thẳng đến thị trấn A Mú Sung mà rẽ trái đi theo đường tuần tra biên giới.


Đường tuần tra rất vắng vẻ và gần như không có dân ở dọc đường là mấy.


Đi một lúc nữa thì đã nhìn thấy suối Lũng Pô xanh ngắt.


Quang cảnh ở đây vô cùng đẹp. Đây cũng chính là nơi dòng suối Lũng Pô đổ từ bên Trung Quốc về Việt Nam.


Bên kia suối là địa phận của Trung Quốc. Bên Việt Nam là ruộng bậc thang, còn bên Trung Quốc trồng toàn chuối. Chỉ cần lội qua con suối Lũng Pô là sang bên kia biên giới.


Khu vực này vào các năm 2009, 2010 rộ lên các vụ kẻ xấu bắt cóc phụ nữ rồi vác qua suối Lũng Pô đem sang Trung Quốc bán. Đã có hàng chục cô gái bị bắt đem đi mất tích ở khu vực này, chỉ có một số rất ít may mắn được các chiến sỹ biên phòng cứu thoát mang về nhà.
Do vậy chị em đi phượt qua đây phải hết sức cẩn thận, nếu không muốn bị bắt đem bán sang Trung Quốc. 

Con đường bên kia núi là của Trung Quốc, xa xa có một cái cầu khá hoành tráng.


Cận cảnh cây cầu. Trông có vẻ giống một cây cầu băng tải hay hầm ngầm gì đó.


Đường của Trung Quốc vắt vẻo men theo sườn núi. Phía trên vách núi cheo leo có mấy cái cột điện cao vút, họ giỏi thật, chỗ hiểm trở như thế mà vẫn dựng được cột điện.


Nhìn kỹ trên vách núi phía Trung Quốc có những cửa hầm rất lạ.


Dòng suối này cũng là một phần đầu nguồn của con sông Hồng. Chỉ có một từ: Tuyệt đẹp!


Một nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân những năm gần đây, mực nước sông Hồng xuống kỷ lục.


Đang vun vút trên đường thì chúng tôi tình cờ gặp một trong những cậu sinh viên đã giao lưu với bọn pva ở Y Tý. Tôi thấy các bạn sinh viên này có vẻ rất thần tượng anh pva.


 Được biết tối nay các bạn ấy cũng lên tàu về Hà Nội nhưng chắc là khác chuyến của chúng tôi.

Bên Việt Nam cũng trồng chuối giống bên Trung Quốc, không hiểu người ta trồng kiểu gì mà cây nào cây ấy ra buồng đều tăm tắp, buồng chuối nào cũng được bọc ni lông bảo vệ rất cẩn thận.


 Đi thêm một đoạn nữa thì tôi thấy phía Trung Quốc đã có đường cao tốc. Một con đường cao tốc cực kỳ hiện đại.


Tôi thấy cách làm của người Trung Quốc rất hay. Họ không phá núi làm đường mà làm luôn cầu cạn bên cạnh núi thẳng tắp. Cách làm này vừa đảm bảo an toàn, tiện nghi, vừa giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, rất đáng để học tập.


 Còn đây là đường bên Việt Nam ta.


 Đi thêm đoạn nữa thì đến ngã ba rẽ vào Trạm biên phòng Lũng Pô, cũng là chỗ con suối Lũng Pô hòa vào dòng sông Hồng chảy vào đất Việt Nam. Rất tiếc là do chúng tôi không còn nhiều thời gian, phải về Lào Cai sớm để mua vé lên tầu đêm nay về Hà Nội nên không thể vào thăm các anh bộ đội biên phòng Lũng Pô được.


 Đến đoạn này không thể không dừng lại nghe bài "Gửi em ở cuối sông Hồng" do Thu Hiền và Trung Đức song ca được.


Gửi em ở cuối sông Hồng

Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Ở trên anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ.
Anh ở biên cương biết rằng em năm ngóng tháng chờ,
cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước,
nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt
anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong.
Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa đông bắc,
em thương anh nơi chiến hào gặp rét.
Mà em thương anh chiều nay đang
đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không,
hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy?
Có gì đâu tấm lòng người chiến sĩ,
có tình yêu bốn mùa sưởi ấm.
Dù gió mưa, dù mùa đông.
Vì rằng em luôn ở bên anh.
Em ở phương xa nơi con sông Hồng chảy về với biển,
ở trên anh đầu nguồn biên giới,
cuối dòng sông nơi ấy quê nhà.
Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo,
Cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước
đem lòng mình gửi về miền biên giới.
Sao chẳng nói nên lời nhưng nặng tình yêu thương.
Anh ở biên cương, sương lạnh giá biết mùa đông tới.
Nơi quê hương em bước vào vụ mới.
Rằng anh thương em đồng quê chưa cấy hết,
tay em ngập dưới bùn, lúa cấy thẳng hàng không,
hỡi em yêu ở cuối sông Hồng?
Thầy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ
biết là anh nhớ về em đó
nhớ về anh đó.
Là chiến công, là niềm tin,
là tình yêu anh gửi cho em
là tình yêu em gửi cho anh.
Anh gửi cho em
Em gửi cho anh
Là tình yêu ta gửi cho nhau.
Bài hát này là sáng tác của nhạc sỹ Thuận Yến phỏng theo lời thơ của nhà thơ Dương Soái.

Gửi em ở cuối sông Hồng

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ ngọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Lào Cai, tháng 2/1979
Thật tình cờ, bài thơ này được viết cách đây đã đúng 32 năm, nếu so sánh giữa lời bài hát và nguyên văn bài thơ thì chúng ta có thể thấy sự khác nhau rất lớn về ý nghĩa. Lời bài hát, là sự ca ngợi tình yêu trong sáng giữa chàng lính biên phòng và cô gái ở quê hương. Còn bài thơ, là sự tôn vinh tinh thần yêu nước dũng cảm, là sự hi sinh quên mình vì nước của các chiến sỹ đang chiến đấu ngày đêm ngoài mặt trận để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc trước quân thù xâm lược. 

- Thật khó hình dung, bài thơ được sáng tác từ bối cảnh cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch trong chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến đau lòng tới mức, cứ nhắc cụm từ "Tháng hai bảy chín" là ai nấy lặng đi, Dương Soái cũng lặng đi. Anh tẩn mẩn đi lục tìm những bản thảo viết tay trên những vuông giấy nâu xám một thời. Chữ anh viết bằng bút mực xiên xiên, nhi nhít gạch xoá. Đó là phóng sự tường thuật trực tiếp từ chiến trường máu lửa "một mất một còn" hồi "tháng hai bảy chín".

Dương Soái kể:
"Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra. Tôi nhận lệnh của lãnh đạo vào chiến dịch "tường thuật nóng"! Tôi đi ngược lên biên giới, gặp những đoàn người sơ tán, họ đi trùng trùng với nỗi hoang mang khủng khiếp! Những hình ảnh không bao giờ tôi quên được: thỉnh thoảng pháo địch lại nã trúng đoàn người chạy đạn. Vài người chết. Đoàn người càng táo tác. Họ dắt díu nhau chạy xuôi vào nội địa, cũng chẳng biết sẽ đi đến đâu. Có người vai đeo súng trường, máu trên người vẫn xối xả, ròng ròng. Họ vẫn cứ đi. Chợt tôi gặp tiểu đoàn bộ đội vừa quần nhau với giặc trở ra. Họ gặp nhau, ai cũng xuýt xoa: "Tao tưởng mày chết rồi". Vài người khóc, rồi tất cả cùng khóc. Bộ đội mình hy sinh nhiều quá, có đơn vị gần hết... quân số. Gặp nhà báo, anh em chỉ nhờ mỗi việc: anh viết bài, nhớ báo tin cho gia đình, đồng đội là chúng em vẫn còn sống. Chúng em không thể lui về tuyến sau được giữa lúc tổ quốc lâm nguy này. Em còn thì biên giới mình vẫn còn. Nhiều người mượn tôi cái bút viết thư cho gia đình. Có người viết vài dòng rồi đề địa chỉ gia đình, người yêu vào cuối lá thư rồi nhét vào tay tôi nhờ tôi kiếm phong bì, ghi địa chỉ, bỏ thư vào thùng hộ. Có người chỉ đưa mỗi tên hòm thư người thân rồi bảo: "Anh viết hộ em mấy dòng. Chỉ cần nói rằng em vẫn sống!". Có người viết thư cũng chỉ với mong muốn, cần gửi những dòng chữ cuối cùng của mình về tới gia đình! Tôi đã khóc và mỗi lúc nhớ đến chuyện này tôi lại muốn khóc.
Tôi đi gửi đầy một thùng thư cho anh em lính trẻ. Có anh bảo vệ đài truyền thanh bị pháo tiện đứt hai rẻ xương sườn. Có anh dân quân bị mảnh pháo bắn bay văng mất gót chân, anh vẫn hướng dẫn bà con sơ tán, mỗi bước chân một bước đỏ loang toàn máu. Có đơn vị, tôi vừa hoàn thành chương trình, giọng anh lính trẻ phát biểu hồn nhiên trên đài xong thì cũng là đồng đội cấp báo: chính anh ấy đã hi sinh!"

Giữa hai trận đánh, anh ngồi trong căn nhà lá ở Phố Lu (là nhà khách của huyện) và làm... thơ. Anh viết trong tâm trạng của một người mong manh sinh tử ngoài mặt trận, muốn gửi tình yêu thương tha thiết ấy về với người hậu phương.

- Trích bài của Đỗ Doãn Hoàng - 

Hôm đó là ngày 12 tháng 2 năm 2011, chúng tôi đang đứng ở Lũng Pô, tiền đồn của tổ quốc. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra ngày 17 tháng 2 năm 1979, cách đây đã đúng 32 năm. Cũng tại nơi này, trong ngày 17 tháng 2 năm 1979, 30 chiến sỹ biên phòng của đồn biên phòng A Mú Sung đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền đất nước trước quân bành trướng. Cho tới vừa rồi, ngày 16 tháng 2 năm 2011, trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng đội vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên dòng sông Hồng. Máu các anh đã đổ để hôm nay chúng tôi được phóng xe một cách bình yên tận hưởng những gì cha ông ta đã xây dựng, vun đắp và bảo vệ từ bao đời nay.
Xin nghiêng mình tưởng nhớ các anh! 

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Bên kia là đường cao tốc của Trung Quốc ô tô phóng vun vút, bên này chukimduc đang off road bằng cào cào.


  Một ngôi nhà của người Mông, vẫn còn 2 tờ giấy điều dán trước cửa.


Đã hết đường tuần tra, con đường rộng và đẹp hơn nhiều. Sông Hồng thời gian này đã lắng phù sa trở nên trong xanh.


Bên kia là Trung Quốc.


Một cây cầu đang được xây dựng.


Trông sang cầu của Trung Quốc.


Về nhà thôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét