Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Sơn La - những nẻo đường biên ải - P8

Bạt ngàn là.. đồi trọc.



Chênh vênh bên đường.



Đúng 5h chiều thì chúng tôi chạy qua một bản của người Thái nằm ở sát biên giới. Cũng chẳng biết tên bản là gì nữa. Dân bản vừa ăn mừng tân gia một ngôi nhà mới dựng xong. Ngôi nhà hai tầng bằng gỗ toàn phần, lợp tôn cao to sừng sững rất đẹp. Chủ nhân ngôi nhà này chắc phải rất khá giả chứ không đơn giản. Lúc tôi dừng lại chụp ảnh thì đã thấy bà con say hết cả rồi. Có một bác già phải nhờ đến hai chị xốc nách hai bên mới lên được chiếc xe máy để người thân trở về nhà. Cánh phụ nữ cũng ngất ngưởng hết cả với nhau rồi.



Thấy tôi dừng lại chụp ảnh, anh mặc áo màu đỏ liền đi tới giữ tôi lại bắt phải vào uống rượu. Thấy anh này cũng đã tương đối say rồi và có vẻ rất cương quyết mời, tôi đành dựng xe và đi vào sân.

Bác áo đỏ dắt tay tôi vào gần mấy vò rượu cần, gọi là vò chứ đúng ra là cái chum to bằng chum đựng nước của ta dưới xuôi, thóc rượu đổ đầy tới miệng. Anh áo đỏ múc đầy một sừng trâu nước mưa rồi đổ vào trong vò rượu, sau đó cầm bó cần trúc chọc cho nước trộn đều vào thóc rượu rồi đưa cho tôi một cần mời tôi uống.



Tôi rít thử một hơi thì thấy vị cũng giống như rượu cần Hòa Bình mà tôi đã từng uống vài lần, tuy nhiên nó đậm và thơm hơn, khá nặng.

Rít được vài hơi thì nước trong vò cũng cạn đi, một anh nữa lại ra mời tôi thêm một sừng trâu nữa, bỏ *** tôi nghĩ bụng, cứ thế này thì chắc hôm nay ngủ lại đây mất. Tôi ra vẻ nhăn mặt nhăn mũi nói là rượu nặng quá và không biết uống rượu, tuy nhiên vẫn bị dân bản không cho đứng dậy mà phải uống tiếp. Một anh múc đầy nước mưa vào cái sừng trâu to tướng (dễ đến nửa lít) rồi thả ngón tay trỏ bịt cái lỗ ở đáy sừng cho nước chảy từ từ vào vò rượu. Chúng tôi uống đến đâu, anh ta lại cho nước chảy đến đó cho tới khi hết thì thôi.



Vừa uống xong chiếc sừng châu thứ hai thì bỗng có một anh nữa lôi ông bạn tôi từ ngoài vào và bắt ngồi xuống uống rượu. Trông anh này tướng mạo to cao khá hung dữ, mắt gườm gườm rất dễ sợ, mặc một bộ quần áo kiểu ba tàu màu trắng ngà giống mấy tay anh chị ở Hà Nội. Anh ta còn không cho tôi chụp ảnh và bắt hai thằng phải uống thêm hai sừng trâu nữa.

Thấy tôi bảo chúng tôi không biết uống rượu, uống nhiều thế thì say không đi được, anh ta quắc mắt bảo chúng tôi có muốn đi tiếp không hay ở lại luôn đây. Thế là tôi đành cười hề hề, uống thì uống. Cái trò uống rượu cần này, tôi biết thừa, uống cành nhanh thì rượu cành loãng, càng nhẹ, uống chậm rượu nó càng đậm, càng say. Thế nên tôi cứ nhăn mặt nhăn mũi như không thể uống được nữa, nhưng tranh thủ rít thật nhanh khi anh ta đổ nước từ sừng trâu vào, quả nhiên uống ngọt hơn nước lọc một tý, làm hai sừng trâu nữa cũng chỉ no bụng hơn.

Tôi trả vờ say quá rồi, cám ơn, bắt tay bắt chân các anh rồi xin phép lảo đảo lên xe nổ máy chạy thẳng ra khỏi bản, hú vía.

Tiếp tục rên con đường mòn men theo những sườn đồi trọc dài bất tận.



Cô đơn và trống trải.



Chạy được một lúc nữa thì chúng tôi tới một ngã ba, đi đường nào đây? lại phải tìm người để hỏi.

Đi quanh quẩn mãi mới thấy một ngôi nhà, hỏi một bác dân tộc xem đi đường nào tới được Chiềng Khương.

Đi đường này.



Con đường như ngày càng thắt lại, đá lởm chởm.



Tới một bản nhỏ với vô vàn lối rẽ, lại phải hỏi đường.



Thì ra là phải rẽ vào con đường bé xíu khuất trong bụi cây này.



Đường toàn đá sắc lẹm.



Con đường đi sang một sườn núi.



Xung quanh vẫn chỉ là đồi núi trọc chẳng có bóng người.



Mặt trời đã sắp lặn sau dãy núi xa, chợt nhớ tới mấy vần thơ của Puskin:

Mặt trời mọc ở đằng Tây
Thiên hạ sống trên trái đất này
Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi
Thức dậy hay là ngủ tiếp đây?


Qua một con dốc rất cao và lổn nhổn.



Rồi đi qua một bản nhỏ người Thái. Có lẽ, người dân ở đây vẫn sinh hoạt như ngày xưa và cũng chưa có mấy người như chúng tôi đặt chân đến cái bản heo hút sát biên giới này.

Ở phía dưới có con suối nhỏ, nước cũng không trong lắm có mấy cô gái đang tắm tiên ở bên dưới. Tôi cũng ngại không muốn giơ máy ảnh lên chụp sợ nhỡ đâu lại làm dân bản nổi giận.



Phía xa kia có một chị đang bổ củi. Phụ nữ Thái ở đây rất trắng, xinh dù họ sống trong môi trường rất vất vả và thiếu thốn.



Vẻ đẹp trong lao động.



Tiếp tục leo lên con dốc phía cuối bản để đi tiếp.



Đến một ngã ba có dòng suối chặn ngang, tôi lại phải tìm người để hỏi đường, họ chỉ thẳng ra đầu dòng suối. Quái lạ, không lẽ lại phi xuống suối.



Thử phi liều xuống xem sao.



Đi được một đoạn dưới suối, quả nhiên phía bờ bên kia có một con đường.



Chẳng biết suối nông sâu thế nào nhưng bờ bên kia có vẻ rất trơn.

2 nhận xét: