Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Sơn La - những nẻo đường biên ải - P26

Thùng đựng ăng ten vệ tinh đã mục nát.



Thùng đựng thiết bị phát điện cho trạm y tế xã, công suất 400W.



Phía dưới là thùng đựng ắc quy.

 

Thùng đựng máy phát cho trụ sở Ủy ban xã, công suất 600W



Tủ lạnh đựng vắc xin, công suất 200W.



Thùng đựng thiết bị vệ tinh, để trần trụi, bạc phếch vì nắng mưa, khóa cũng không có.



Thiết bị bên trong thùng



Rất tinh vi và đắt tiền.



Bộ thu tín hiệu.



Bộ biến tần của hãng Studer, Thụy Sỹ chắc chắn cực đắt.

 

Và đây là giá trị còn lại của đống thiết bị trị giá gần 3 tỷ đồng này.



Đến dây cáp, thanh tiếp địa cũng được nhập khẩu từ Phần Lan.



Thùng đựng tấm pin mặt trời đã mọc rêu xanh lè.



Biểu tượng hàng phải chống mưa, nước. Không được che chắn bảo vệ, lô hàng này đương nhiên sẽ hỏng và không được bảo hành.

 

Đây mới chỉ là hiện trạng của 1 trong 70 xã có thực hiện trong dự án này, liệu còn bao nhiêu xã nữa cũng có tình trạng tương tự như Háng Đồng?

Đối với vùng miền núi phía Bắc, danh sách các xã thực hiện dự án bao gồm:

TỈNH SƠN LA
II Huyện Bắc Yên
44 Háng Đồng
45 Hua Nhàn
III Huyện Mộc Châu
46 Tân Xuân
47 Chiềng Xuân
IV Huyện Mai Sơn
48 Chiềng Nơi

TỈNH CAO BẰNG
V Huyện Bảo Lạc
49 Sơn Lập
50 Hưng Thịnh
51 Kim Cúc
VI Huyện Bảo Lâm
52 Mông Ân
53 Nam Cao
54 Thái Sơn
VII Huyện Thông Nông
55 Cần Nông

TỈNH LAI CHÂU
VIII Huyện Mường Tè
56 Hua Bum
57 Pa Vệ Sử
58 Pa Ủ
59 Ka Lăng
60 Tà Tổng
IX Huyện Sìn Hồ
61 Pú Đao
X Huyện Than Uyên
62 Pha Mu
63 Tà Hừa

TỈNH ĐIỆN BIÊN
XI Huyện Mường Nhé
64 Na Cô Sa
65 Pá Mỳ
66 Sen Thượng
67 Leng Su Sin
68 Nậm Vì
69 Sín Thầu
70 Nà Bủng

Trong các xã nêu trên thì gần đây tôi có đi qua Ka Lăng, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tà Tổng thì chỉ thấy duy nhất ở Tà Tổng có lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời nhưng cũng không thấy có trạm thu phát sóng truyền hình, không biết các hạng mục khác có được lắp đặt đầy đủ hay không?



Hay có lẽ là do các xã này, họ đã kéo được điện vào và giải pháp dùng thiết bị thu sóng vệ tinh rồi phát lại là không hợp lý vì so với việc mua thiết bị thu sóng trực tiếp tín hiệu từ vệ tinh rất rẻ mà chất lượng lại tốt và không bị ảnh hưởng bởi địa hình rừng núi. 

Vấn đề nợ công đang là vấn đề rất nóng trên báo chí Việt Nam mấy tuần vừa qua.

Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với báo Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 - gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.



Nợ công của Việt Nam thì ngày càng tăng, trong đó góp phần lớn nhất có lẽ là vốn vay ODA cho các dự án của Chính Phủ. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn vay thì rất thấp và nhiều dự án vô cùng lãng phí như dự án điện mặt trời này.

Tôi đã trao đổi với nhiều nhà chuyên môn về điện mặt trời thì ai cũng đồng tình là việc khai thác điện mặt trời ở các tỉnh miền Bắc nói chung và miền núi cao phía Bắc nói riêng là không có hiệu quả. Miền Bắc có mùa đông kéo dài, hoàn toàn không có nắng, ngay cả trong mùa hè cũng không phải là ngày nào cũng có nắng, kể cả trong một ngày thì tại các vùng núi cao, thời gian có nắng không nhiều, hơn nữa đa số các khu vực dân cư tập trung đều nằm bên sườn núi hoặc dưới thung lũng nên mặt trời sớm bị che khuất bởi các dãy núi nên lượng ánh sáng không thể đủ để xạc đầy liên tục các bình ắc quy.

Các thiết bị công nghệ cao của trạm phát điện mặt trời rất nhậy cảm với độ ẩm, cần được bảo quản và bảo trì rất tốt thì mới có thể hoạt động được trong khi thời tiết của các vùng núi phía Bắc vô cùng khắc nghiệt, độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ nhanh chóng làm hỏng thiết bị.

Với các sản phẩm công nghệ cao này đòi hỏi phải có người trình độ chuyên môn cao để vận hành và bảo trì, sửa chữa, phải có linh kiện, thiết bị thay thế dự phòng trong khi điều đó là không thể tại những nơi vùng sâu, vùng xa như Háng Đồng này được.

Chi phí để mua các thiết bị năng lượng mặt trời này và linh kiện để thay thế là rất đắt, hoàn toàn không hiệu quả so với các giải pháp truyền thống như thủy điện mini hay thậm chí là máy phát điện chạy dầu diezen. Vậy mà dự án vẫn được duyệt, vẫn vay vốn ODA của nước ngoài để đầu tư rồi vứt xó cho hư hỏng trong khi những nơi đó đang thiếu thốn đủ mọi thứ.

Đây là một thực tế vô cùng đau xót mà bất cứ ai nhìn thấy cũng đều cảm thấy phẫn nộ và bức xúc.

7.920.739 EUR tương đương 197.273.931.255 VNĐ trong đó vốn vay là 5.385.580 EUR tương đương 134.133.255.480 VNĐ, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 2.535.159 EUR tương đương 63.140.670.880 VNĐ kết quả là như thế này đây. 

Trời cũng đã về chiều muộn, hai thằng tôi đành tạm biệt các giáo viên trường tiểu học Háng Đồng và các bạn Hà Nội lên khảo sát làm chương trình từ thiện cho Háng Đồng để lên đường về Hà Nội cho sớm.

Hẹn sẽ có ngày quay lại Háng Đồng.



Chúc các bạn tôi may mắn.



Xuống núi nào.



Đến lúc này, chỉ phải đi xuống dốc, tôi mới dám bỏ một tay ra để vừa đi vừa chụp ảnh mặc dù làm như vậy là rất nguy hiểm, chỉ sểnh ra một chút là cả người cả xe rơi xuống vực sâu cả trăm mét.



Không hiểu là đến mùa mưa thì đi lên đây kiểu gì.



Đường thì quá dốc và trơn.



Những khúc cua tay áo cực gấp rất nguy hiểm kể cả với xe máy.



Một khúc ngoặt gấp rất dốc và con đường xuống núi ngoằn nghoèo chênh vênh phía xa.



Đường cứ dốc tuồn tuột, độ cao giảm nhanh ù cả tai.



Con đường này trông vậy mà xe U Oát vẫn lên xuống được nhưng rất nguy hiểm.



Một đoạn đường siêu dốc, không hiểu là bao nhiêu độ nữa, đã gài số 1 để xuống rồi nhưng vẫn phải rà cả phanh trước lẫn phanh sau.



Chả mấy chốc chúng tôi đã xuống tới con suối có cây cầu đá.



Tà Xùa đã về chiều tối, vắng vẻ không một bóng người.



Bao giờ rừng mới quay lại nơi đây?



Xuống tới thị trấn Bắc Yên, chúng tôi lại theo QL 37 chạy về Phù Yên.



Chạy thật nhanh để còn về Hà Nội ăn cơm tối.



Phù Yên đã tới gần.



Dừng chân nghỉ uống nước ở thị trấn Phù Yên.



Sau đó chúng tôi chạy một mạch về tới Hà Nội mà không gặp bất cứ trục trặc gì. Vậy là cuộc hành trình một vòng tỉnh Sơn La của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp với tổng chiều dài quãng đường đã đi qua là 1250km. Đây thực sự là một chuyến đi đáng nhớ với nhiều cảm xúc bất ngờ thú vị, đầy hồi hộp gay cấn. Sau chuyến đi này mới thấy có lẽ mình vẫn còn chưa già lắm, đủ sức tiếp tục đi thêm nhiều cung đường nữa trước khi nó bị thay đổi, tàn phá bởi bàn tay con người.

Sau chuyến đi này, tôi cũng sẽ cố gắng truyền đạt lại những gì đang xảy ra với dự án năng lượng mặt trời tại Háng Đồng tới các cơ quan báo chí, có thể là tới cả sứ quán Phần Lan tại Hà Nội để cần ngăn chặn và khắc phục ngay những hành động lãng phí kinh khủng như thế này. Rất mong được mọi người quan tâm và cùng chia sẻ những thông tin này vì đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với xã hội và đối với bản thân chúng ta, con cháu chúng ta, những người đang ngày ngày nộp thuế cho nhà nước và sẽ phải nộp thuế để trả nợ cho sự lãng phí này..

7 nhận xét:

  1. Ngay cả con đường mà bạn đi qua. Đường tuần tra biên giới - mình thấy cũng lãng phí vô cũng tận. Vì lấy lý do "An ninh- quốc phòng" nên không ai cái được. Hôm trước nghe mấy thằng tướng còn to mồm bảo vừa thiết kế vừa thi công - nghe tức ói máu. Cấp bác gì mà làm thế. Trong mắt tôi đường này cùng với đường HCM là con đường lâm tặc, con đường góp công...hoàn tất công tác phá rừng.
    Nhìn những cánh rừng trọc lóc. Nhìn những con đường xẻ ngang xẽ dọc đất đá thải, sụt trượt nát cả quả núi mà nhói lòng. Ai cho chúng nó tàn phá như vậy ? Lũ tiếp tay cho bọn này cũng cần phải lên án.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mở đường là để khoảng cách giữa vùng xuôi và vùng ngược được rút ngắn lại, để cho công tác phát triển ở đồng bào dân tộc được toàn diện hơ, bà con đi lại dễ dang hơn chứ sao lại nói là làm đường để cho lâm tặc hoạt động được hả bạn, thế theo bạn là không nên làm đường, để cho lâm tặc không có đường đi lại chứ gì? để cho người dân tách biệt với vùng xuôi chứ gì, như thế có tốt cho bà con vùng cao hay không.

      Xóa
    2. Nhưng nếu không có các con đường này thì làm sao chúng ta có thể đi lại thuận tiện được ở những nơi đây. Nếu có trách thì chỉ trách là không làm được đường to, đẹp thui. Việc làm đường ở biên giới, vùng núi thì việc phải xẻ núi là việc tất nhiên rồi, điều này cũng không thể trách ai được.

      Xóa
  2. Việc xây dựng đường xá ở những nơi đây là việc làm cần thiết mà, không có đường xã thì người dân nơi đây cũng như các nơi khác đi lại kiểu gì, hay quay lại trước đây trèo đèo lội suối.

    Trả lờiXóa
  3. Xây là cần nhưng cần phải có chính sách đúng đắn, thà chậm mà chắc còn hơn nhanh mà ẩu...
    rất cảm ơn các thông tin của bác chủ nhà ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Việc xây đường sá ở nơi xa xôi thế này tưởng dễ à , Nhà nước chúng ta cũng muốn lắm chứ nhưng việc thực hiện điều này vẫn còn đang khó chưa thể làm ngay được , tôi tin chắc nhà nước ta đã có kế hoạch để thực hiện rồi hãy cứ từ từ không việc phải vội vàng cả rồi lại hỏng hết việc mất .

    Trả lờiXóa
  5. Thật cảm ơn các anh đã đi và ghi lại những thông tin này. Em rất muốn biết là thông tin này đã được chuyển tới ông Kimmo Lähdevirta chưa, và nếu chưa thì có việc gì có thể được làm để giúp sớm dừng lại việc lãng phí này không ạ?

    Trả lờiXóa