Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Khe Phương, vùng đất bị quên lãng - P5

Mải chụp ảnh, tôi bị tụt lại phía sau. tricoi và hoangnguyen hôm đó không hiểu sao chạy rất sung. Đường chạy qua một con suối có bờ rất dốc và trơn, không hiểu sao hai tên kia vẫn phi qua được ngon lành. Tôi lấy đà tăng ga phóng qua suối, đến bờ bên kia thì trơn quá, bánh bị trượt, thế là xe đổ kềnh ra bờ đá.



Kinh nghiệm từ mấy lần đi Tây Yên Tử vừa rồi, tôi quăng xe mặc cho nó đổ nhẩy ra. Nhưng do bờ suối quá dốc nên mất đà phi ngược xuống suối. Không hiểu sao, lúc đó chân tôi nhanh thế, phi đánh vèo một phát từ bờ bên này, băng qua suối sang bờ bên kia mới dừng lại được, may mà không bị vấp vào đâu chứ không thì chắc lĩnh đủ.

ếp

Nếu mà lúc đó có máy quay thì chắc hẳn nhìn tôi ngã sẽ buồn cười lắm. tricoi với hoangnguyen đã chạy qua trước, tôi đành nghỉ một lúc rồi vận hết công lực để nhấc chiếc xe dậy và đi tiếp. Cũng may là xe không hề hấn gì mấy, vẫn đi được bình thường.

Đi qua con suối một đoạn thì chúng tôi cũng đã vào tới đầu bản Khe Phương.



Gọi là bản nhưng bà con ở không mấy tập trung mà rải rác khắp một thung lũng rộng, xen lẫn với cây rừng.



Ở đây, bà con 100% là người Dao thuộc dòng Dao Thanh Phán.



Người Dao Thanh Phán ở đây chỉ có phụ nữ lớn tuổi là vẫn còn mặc trang phục dân tộc hàng ngày.



Họ cũng cạo đầu và lông mày giống người Dao Đỏ. Tuy nhiên không thấy có các đồ trang sức và phụ kiện bằng bạc trắng như người Dao Đỏ mà trang phục khá giản dị với một chiếc khăn đen trùm đầu.



Có lẽ chỉ ít năm trước đây, Khe Phương vẫn còn là một chốn vô cùng hoang sơ và rất ít người biết đến. Người dân ở đây chắc cũng ít giao lưu với thế giới bên ngoài.

 

Chúng tôi dừng tạm xe ở đầu bản để tên kilimangiaro vào liên hệ chỗ ăn nghỉ và trình báo với chính quyền địa phương.



Với một nơi vùng sâu vùng xa như Khe Phương này thì chắc chắn chưa bao giờ có sự xuất hiện của dân phượt tới đây nên chắc họ sẽ rất ngạc nhiên và để tránh phiền phức thì tốt nhất là phải gặp gỡ trưởng thôn cũng như công an viên của bản để xóa tan các nghi ngờ của người dân về sự có mặt của chúng tôi.

Đường vào bản chạy qua một con suối nhỏ và khá trơn.



Vào mùa lũ, chắc chắn khi lũ về thì Khe Phương sẽ bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài và cũng sẽ khá nguy hiểm nếu có lũ quét.

 

Bọn kilimangiaro đi mất chừng nửa tiếng mới thấy quay về và bảo tốt rồi, đã có chỗ ăn ngủ cho đêm nay. Hắn bảo chúng tôi cho xe qua suối rồi vào nhà văn hóa của bản để nghỉ ngơi đêm nay.

Nhà văn hóa của bản Khe Phương khá khang trang, lợp phibro xi măng, vách bằng ván gỗ, bên trong kê bàn ghế để họp và có cả loa đài, TV để hát karaoke.



Xung quanh là rừng núi bạt ngàn.

 

Chúng tôi phải ngồi ngoài đợi đồng chí trưởng thôn đi lấy chìa khóa cửa thì mới vào trong nhà được, thấy bảo đồng chí ấy đang đi chở phân từ mãi ngoài đường cái vào đây.

Trong lúc chờ đợi thì hoangnguyen vác máy ảnh ra chụp ảnh bọn trẻ con trong bản. Chẳng là hắn cũng học đòi, mới sắm được con G12 nên rất khoái chí chụp choẹt.

Chuột cõng mèo.



Bọn người này ở đâu đến mà trông buồn cười thế nhỉ?



Chú ơi mặc quần làm gì cho nóng, cởi truồng giống cháu cho mát đi.



 

Bao giờ lớn cháu cũng sẽ làm một chiếc đi phượt Bờ Hồ xem nó như thế nào.



Con này là ngon nhất này.



Chú cháu mình đẹp giai giống nhau nhỉ?



Dũa móng tay?

 

Ngồi ngoài cả tiếng đồng hồ thì Trang Nhung mới lấy được chìa khóa cửa về mở cửa cho chúng tôi. Thu dọn đồ vào trong xong, hoangnguyen trổ tài pha cà phê còn tôi với tricoi lôi bánh ra ngồi nhấm nháp. Bỗng có một anh thanh niên ở đâu đến ngó nghiêng rồi lân la ra ngồi với chúng tôi.



Trông anh này dáng dấp khá giang hồ nhưng thực ra lại rất hiền lành. Tôi lân la hỏi chuyện làm quen và tự nhiên biết thêm được một câu chuyện khá lạ lùng.

 

Từ xưa tới nay, tôi vốn không tin vào số phận. Tôi nghĩ chẳng có chuyện là ai đó đã tạo ra sẵn một kịch bản cho cả cuộc đời của mỗi con người để có người sướng, có người khổ, có người thì may mắn, có người thì thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi lại tin vào nhân duyên, quả báo, vào luân hồi và tái sinh. Tôi tin là ở kiếp này, tôi sẽ được hưởng phước cũng như phải chịu quả báo của những việc tôi đã làm, kể cả từ những kiếp trước.
Cuộc đời tôi, nói chung là khá may mắn và thuận lợi. Tuy không có chuyện là có một cục tiền từ trên trời rơi xuống đập vào đầu hay là những may mắn đột biến thay đổi tất cả, nhưng với tôi, mọi việc cứ từ từ rồi đến đích. Cũng bởi thế, nhiều khi tôi nghĩ là ai cũng có thể làm được như tôi cả hoặc sẽ phải tốt hơn tôi rất nhiều.
Tuy nhiên dần dần, tôi gặp nhiều người, bản thân họ là người tốt hay như tôi thường dùng một từ "chuyên môn" là có nhiều "chủng tử" tốt, nhưng do nhân duyên xoay vần, họ rơi vào những hoàn cảnh khiến cho những "chủng tử" tốt đó không có điều kiện phát triển, thui chột dần và là cơ hội để những "chủng tử" xấu nổi lên.
Khi xưa, gặp những người đó, tôi thường phê phán họ, cho là họ không cố gắng, không tỉnh táo và đi đến phủ nhận họ, nhưng bây giờ, khi hiểu ra, tôi thấy đồng cảm với họ và rất chia sẻ với những khó khăn của họ gặp phải. Không phải ai cũng được may mắn như tôi, sinh ra ở Thủ Đô, lớn lên trong một gia đình có văn hóa, được học hành, dạy dỗ đầy đủ, có nhiều người bạn tốt, có anh chị em để giúp đỡ bảo ban...

Ngồi nói chuyện một lúc, hóa ra anh này tên là Dũng và là người Kinh chứ không phải người Dao. Dũng sinh năm 1978 và nhà ở ngay gần nhà văn hóa, anh mời chúng tôi sang nhà chơi cho biết nhà và cứ khẩn khoản mời chúng tôi tối sang nhà anh ngủ cho vui.

Ba thằng chúng tôi liền để đồ đạc đó rồi sang nhà Dũng chơi.



Nhà hắn có một gian nhà xây mái ngói khá kiên cố và một gian bếp mái lá, vách đan bằng nứa đơn sơ. Bên vách bếp vứt lỏng chỏng một chiếc Wave Tàu bị hỏng đang tháo tung ra nhưng chắc chưa có tiền sửa.





Trong bếp lỏng chỏng cặp bánh của chiếc Wave Tàu.



Căn nhà do chính tay Dũng tự xây khá khang trang.



Vào trong nhà, chẳng có đồ đạc gì mấy ngoài một cái TV và một bộ loa thùng cọc cạch cũ nát chẳng biết có còn dùng được hay không.



Trong nhà có một mùi hôi khó tả giống như mùi cứt mèo, tôi cứ băn khoăn mãi, Dũng giải thích, hóa ra là tại cái phản vừa đóng bằng gỗ hãy còn tươi nên bốc mùi như thế.

Chuyện một người Kinh, mò lên chốn thâm sơn cùng cốc này để ở với người dân tộc kể cũng lạ, là chuyện không bình thường chút nào cả.
Pha cho chúng tôi một ấm trà nóng, Dũng bắt đầu trầm ngâm kể.

Dũng vốn sinh ra ở tận Tuyên Quang, cách rất xa nơi này. Năm Dũng lên 6 tuổi, gia đình Dũng quá nghèo khó, đến mức không nuôi nổi con. Không hiểu lưu lạc thế nào mà mẹ của Dũng tới tận Khe Phương này rồi bán lại Dũng cho người dân tộc nuôi. Người Dao vốn rất quý trẻ con, từ đó họ nuôi dưỡng Dũng như con ruột, làm lễ cấp sắc cho anh như con ruột mình, rồi lấy vợ cho anh.

Giờ đây Dũng đã 34 tuổi và trở thành như một người Dao chính gốc, bố mẹ nuôi của anh giờ đều đã mất. Ngày mai, Dũng sẽ làm lễ bốc mộ cho họ để đưa về gần nhà hơn cho tiện việc thờ cúng.

Khe Phương này kinh tế còn rất khó khăn, ruộng thì ít nên hầu như phải sống bám vào rừng. Ngày xưa, Khe Phương còn hoang vu lắm, rừng rậm, đường chưa mở, người Dao vẫn còn du canh, đốt nương làm rẫy. Nay đường đã mở, rừng theo đó cũng mất dần, cuộc sống cũng khó khăn hơn. Nghề chính của Dũng, gọi văn hoa thì là làm rừng, gọi một cách khó nghe hơn thì là làm lâm tặc, chuyên phá rừng lấy gỗ đem bán.

Nghe xong câu chuyện, chúng tôi lặng đi thương cho hoàn cảnh của Dũng. Tôi tự hỏi nếu do một nhân duyên nào đó, tôi và Dũng đổi chỗ cho nhau, thì bây giờ tôi sẽ như thế nào? Phải chăng mình đã quá may mắn, phải chăng số phận đã quá bất công với Dũng?

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn cứ đánh giá người này thế nọ, người kia thế kia, chê bai, phê phán họ, nhưng đâu có biết rằng đằng sau đó, là cả một số phận kém may mắn. Nếu mình sinh ra trong hoàn cảnh của họ, liệu mình có hơn gì họ không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét