Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Hà Giang – Cao Bằng, những nẻo đường trong mơ - P9

Khoảng 7h30 tối thì chúng tôi có mặt tại thị trấn Đồng Văn. Không khí mát lạnh, khô ráo khiến chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu sau một chuyến đi dài. Nhiệt độ xuống khoảng 25 độ cho tôi cảm giác giống như đang ở trên Đà Lạt buổi tối, hơi se lạnh trái với thời tiết oi bức ở Hà Nội lúc này.
Ban đầu, tôi định vào khách sạn Cao nguyên đá ngủ. Nhưng vừa tới khách sạn, thấy mấy cu nhân viên khách sạn đang cầm gạch đánh nhau với dân bản địa máu me toe toét, không muốn ồn ào, tôi dẫn cả hội sang một khách sạn khác gần đó lấy phòng, dọn đồ lên nghỉ.

Tắm rửa xong, chúng tôi đi tìm hàng ăn tối, lúc này đã 8h, cũng may là còn duy nhất một hàng ăn vẫn còn đón khách.

Bữa tối đơn giản với thịt lợn quay, thịt bò tái và đậu phụ sốt cà chua.



Tuy lên Đồng Văn đã ba lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngủ lại và ăn tối tại Đồng Văn. Lần trước, tôi ngủ tại bản Lao Xa, xã Sủng Là cách Đồng Văn gần 20km do đi nhầm đường lên đó và có một kỷ niệm thật khó quên.

Món thịt bò tái này thật ngon và có mùi vị rất đặc biệt, lần đầu tiên tôi được ăn.



Ăn tối xong, cả hội kéo nhau sang cà phê phố cổ ngồi uống nước, tán phét.



Ngồi được một lúc, hai thằng bạn chắc mệt kéo nhau về phòng ngủ trước, tôi ngồi lại một mình ngắm phố cổ Đồng Văn trong đêm. Lăn lội hơn 500km mới đến được đây, chẳng nên bỏ phí một giây, một phút nào để tận hưởng không khí nơi này cả.



Hôm đó, có vài nhóm du lịch và cả phượt cũng lên Đồng Văn, bàn tán rôm rả khá vui. Tôi lặng lẽ ngồi quan sát họ đến khi tất cả đã về thì cũng đứng dậy về khách sạn nghỉ ngơi để mai lên đường đi chặng quan trọng nhất của chuyến đi: Mèo Vạc - Bảo Lạc - Vị Quang - Xuân Trường - Hà Quảng - Trùng Khánh - Pắc Bó.

Sáng hôm sau, tôi dậy từ sớm rồi lượn ra ngoài để tận hưởng buổi sáng trong lành tinh khôi của Đồng Văn.

Mặt trời vừa ló ra khỏi rặng cây.



Phố cổ



Chợ Đồng Văn nay đã thành chỗ bỏ hoang chẳng bao giờ còn cảnh đông vui như trước nữa.



Nhớ cách đây 2 năm, chỗ này đã đông nghịt từ sáng sớm.



Đâu rồi những hàng quần áo, vải vóc đủ mầu?


Đâu rồi những hàng ăn nghi ngút khói, những bàn ngang bàn dọc rượu rót tràn trề?



Đâu rồi bánh ngô nướng, xôi ngũ sắc, thắng cố, khói bếp đã làm đen kịt mái chợ biết bao đời?



Nhìn những hòn đá bếp cảm giác vẫn còn hơi ấm đâu đây.



Khu bán rượu nay chỉ còn trong những bức ảnh, của những người luôn thương nhớ về Đồng Văn.


Một bạn gái đang set máy ảnh để tự pose ảnh một mình.



Lang thang một hồi, tôi quay trở về khách sạn để thu dọn đồ đạc để chuẩn bị lên đường tiếp.

Dọc đường trước cửa khách sạn có mấy cây đào quả sai trĩu rất ngon mắt, đẹp quá nên chẳng nỡ đưa tay lên hái ăn thử.



Khách sạn nơi chúng tôi nghỉ đêm qua.



Đứng ở ban công nhìn sang khu chợ Đồng Văn mới, tạm bợ và lụp xụp như những ngôi chợ vốn có của người Kinh.


Gói ghém đồ đạc xong, chúng tôi sang bên đường ăn sáng rồi chuẩn bị vượt Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc để đi Bảo Lạc, Cao Bằng.



Bắt đầu lên đèo Mã Pí Lèng, con đèo huyền thoại nối Đồng Văn với Mèo Vạc.



Gánh củi qua dốc sương mù
Mồ hôi giọt giọt gió ù ù bay
Nghìn tia nắng dệt trang ngày
Bước chân hoan hỉ, đêm này lửa reo




Đường lên bên những nương ngô xanh tốt.



Rẽ sương sớm đi thẳng lên trời.


Năm nay các hồ nước treo ở Đồng Văn đều đầy ắp nước, không khô trơ đáy như cách đây hai năm trước.



Bà con lên nương chăm ngô.



Đến chỗ bia đá ghi lại lịch sử đèo Mã Pí Lèng, ba thằng dừng lại ngắm cảnh và chụp ảnh kỷ niệm.



Sau lưng là con đường Hạnh Phúc.



Đi ta đi
Ta đứng ngang trời
Mây dưới chân ta, ta vượt mây rồi
Núi đã sống với đồi nương làm bạn
Không thấy nữa những vòm tre xóm bản
Chỉ còn ta và gió với mây bay




Sông Nho Quế từ ngày làm thuỷ điện nước đã dâng cao hơn, nhìn to và có vẻ gần hơn.



1 nhận xét: