Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Tiêu dao Đồng Văn-Mèo Vạc-Mậu Duệ-Du Già phần 10

Đi loanh quanh một lúc thì trời tối hẳn, giờ này gà bắt đầu lên chuồng để bắt làm thịt. Tôi quay trở về nhà chị Hòm xem có phải giúp gì không.
Về đến nhà thì thấy anh Hòm cũng đã về, rất may là chị Hòm cũng biết nội trợ nên tôi không phải làm gì cả, tôi vào ngồi cạnh bếp lửa nói chuyện với anh Hòm. Anh Hòm rất hiền và ít nói, anh cho biết nhà anh có 3 đứa con, con gái lớn đã đi lấy chồng, 1 thằng con trai năm nay 18 tuổi đang chuẩn bị lấy vợ, một đứa nhỏ đang đi học. Chị Hòm năm nay mới 39 tuổi nhưng đã lên chức bà, hai anh chị ngang tuổi nhau. Ở đây vẫn còn tục mua dâu, anh Hòm cho biết ngày trước anh "bán" con gái đi làm dâu được 12 đồng bạc, không rõ quy đổi ra tiền là bao nhiêu vì không ai bán cả mà chỉ dùng đồng bạc để cưới xin. Năm tới nếu con trai anh đi lấy vợ, nhà anh sẽ phải mua dâu mất 20 đồng bạc.
Con trai ở đây vẫn còn tục cấp sắc, cứ trên 10 tuổi là phải làm, nếu không sẽ bị coi là chưa trưởng thành.

Nhân đây lại nói thêm về lễ cấp sắc của người Dao
Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn.
Ông thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buôỉ lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Người đàn ông có vợ thường là những người được cấp sắc, tức là để được coi là người đàn ông trưởng thành bắt buộc phải qua lễ cấp sắc.
Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Nhón Dao Tiểu Bản thường chỉ cấp sắc ở 2 mức độ: 3 đèn và tẩu slai hoặc 7 đèn trở lên ( đối với nhóm Đại Bản) thì người đàn ông Dao mới trở thành thầy cúng. Thầy cúng có 2 cấp: Sài có là người theo thầy để giúp và học việc; sài tía là người đã trải qua lễ cấp sắc 3 đèn hoặc 7 đèn.
Việc đầu tiên của lễ cấp sắc là gia chủ phải làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc. Sau đó phải nuôi 2 con lợn 1 đực 1 cái chuẩn bị cho việc cúng bái trong lễ cấp sắc . Ngoài ra phải chuẩn bị lợn, gà, rượu, gạo…để làm cỗ và vài trăn nghìn tiền mặt để bồi dưỡng thầy. Thường là một lễ cấp sắc 3 đèn thì cần 3 thầy, 7 đèn thì 7 thầy. Ông thầy cả gọi là chí chẩu sai hoặc cô tàn sai, các thầy phụ gồm: dần chái, tình mình, pá tạn, tông tàn.
Ngày hành lễ cấp sắc thường được tiến hành vào những tháng cuối năm. Trước khi hành lễ , người cấp sắc phải kiêng khem một số thủ tục như: không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ…. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1 đến 2 ngày; cấp sắc 7 đèn kéo dài 3 đến 5 ngày.
Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, sau đó thầy cúng làm lễ khai đàn, nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Lễ thụ đèn , người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thày đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tại đạo sắc này tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa.
Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Từ đây chàng trai thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Nguồn: Việt báo

Một vài hình ảnh sưu tầm về lễ cấp sắc của tác giả Nguyễn Trường Giang

Các chàng trai người Dao Lùng Tao nhân vật chính của buổi lễ cấp sắc cho người trưởng thành


Chuẩn bị váy áo, đồ lễ cho lễ cấp sắc


Đồ lễ cúng cấp sắc


Những đồ nghề của thầy mo cúng trong lễ cấp sắc


Thầy "Mo nhất" Người quan trọng của buổi lễ cúng cấp sắc


Thầy " Mo nhị" người trợ giúp đắc lực của thầy mo nhất trong lễ cúng


Thầy "Mo tam" thầy này có nhiệm vụ cúng chúng sinh tà ma cho hai thầy mo Nhất và Nhị làm lễ


Lễ cúng được bắt đầu


Các thiếu nữ phục vụ buổi lễ cấp sắc

Lễ cúng đang diễn ra rất gay cấn


Bài cúng thần rừng trong lễ cấp sắc của người Dao


Các thiếu nữ làm duyên trong lễ cấp sắc


Hai chú bé này hôm nay được thầy mo và dân bản làm lễ cấp sắc để trở thành người "lớn", vậy là các chú có quyền được có "bạn gái" ngay sau lễ cấp sắc!


Bao giờ thì đến luợt cháu làm lễ cấp sắc hả bà?


Quay lại câu chuyện của tôi với anh Hòm, anh nói ở đây toàn người nhà họ hàng cả, mọi người sống rất bình yên và hòa thuận. Tôi cũng thấy mọi người sang nhà nhau chơi rất vui, ở đây, mọi người quan hệ với nhau rất trong sáng, ai có việc gì cần giúp là họ giúp nhau ngay, không hề tính đến công sá gì cả.

Nhìn thấy anh cu con út nhà anh Hòm nằm nhăn nhó, tôi hỏi cháu bị làm sao vậy, anh Hòm nói nó bị lên cái nhọt ở bụng, phải nghỉ học mất mấy hôm nay. Tôi tới gần và bảo thằng bé vạch áo xem thế nào, cu cậu kéo áo lên thì tôi thấy quả là có một cái nhọt to tướng ở bụng nhìn rất thương. Tôi thì không phải bác sỹ nên cũng chẳng biết làm thế nào, có điều ngày xưa bé tôi cũng bị lên nhọt mãi, chỉ biết lấy kinh nghiệm ngày xưa của mình giúp thằng bé được phần nào.
Tôi mở ba lô lấy túi cứu thương, dùng cồn y tế lau sạch cái nhọt, rồi sau đó lấy nhiều gạc tiệt trùng băng kín bên ngoài để thấm mủ và giữ cho sạch sẽ. Sau đó tôi đưa hết toàn bộ số cồn y tế, băng gạc mang theo cho anh Hòm, dặn anh hàng ngày làm như tôi vừa làm và đưa thêm cho anh 1 lọ vitamin tổng hợp để thằng bé uống cho mát, tăng sức đề kháng, một lọ thuốc giảm đau để uống nếu đau quá không ngủ được. Tôi cũng dặn kỹ anh là nếu thấy thằng bé sốt cao thì phải chở đi ngay bệnh viện, không được chậm trễ.
Xong xuôi thì chị Hòm cũng đã chuẩn bị xong cơm, có món gà luộc, canh bí ngô và món tôi hâm mộ nhất: thịt Lạp xào. Chị Hòm cũng nói, vì mùa này đang giáp hạt nên không có rau xanh, bảo tôi ăn tạm vậy. tôi cám ơn chị và nghĩ bụng, thế này là quá tươm rồi, nhìn đĩa thịt lạp xào mà nuốt nước bọt ừng ực.

Chưa bao giờ tôi được ăn một bữa cơm ngon như vậy trong một không gian hoàn toàn mới, vừa có nét hoang sơ, vừa thấm đậm tình người, cái mà giờ đây đang trở nên ngày càng quý hiếm.
Gà ở đây khá đặc biệt, có đùi dài và nhỏ nhưng thịt rất chắc, dai thơm, và ngọt, không béo. Thịt lạp được rửa sạch sẽ cho hết muội than, bồ hóng rồi chặt nhỏ, xào với hành mà không cần cho thêm bất cứ loại gia vị gì. Hành ở đây cũng là loại hành tía, củ nhỏ nhưng rất thơm. Miếng thịt lạp sau khi được xào lên, bì thì dòn, mỡ thì trong vắt ăn sần sật mà không ngấy, thịt nạc thì mềm, ngọt và thơm mùi khói. Miếng thịt vốn đã được ướp muối nên khi xào lên ăn với cơm rất vừa miệng, không bị mặn.
Anh Hòm lấy chai rượu thóc nhà nấu ra đãi tôi, hai anh em vừa uống rượu, vừa hàn huyên trong không khí thật thân tình. Tôi làm một mạch 3 bát cơm với thịt lạp, thịt gà, chan canh bí ngô no căng cả bụng.


Ăn uống no say, cả nhà làm một ấm trà ngồi quanh bếp lửa nói chuyện đến 10 giờ đêm mới đi ngủ. Cảm giác được ngủ trong một ngôi nhà sàn của người Dao giữa núi rừng thế này tôi còn thấy thích thú hơn ngủ trong resort 5 sao.

Sáng hôm sau, mọi người cùng dậy sớm. Chị Hòm đã nấu sẵn cơm cho tôi ăn sáng. Sáng nay chị đi làm nương giúp người trong bản. Cả nhà ăn sáng xong, chị lấy cơm gói vào lá chuối để mang lên nương ăn, tôi để ý thấy chị chỉ gói độc cơm không mà không mang theo một thứ đồ ăn nào khác, thậm chí là muối vừng. Với họ, việc ăn trưa dường như chỉ là để đỡ đói và không quan trọng lắm, một cách sống thật giản dị, đáng yêu.
Tôi cũng thu xếp hành lý sớm để lên đường. Chặng đường ngày hôm nay khá dài (khoảng 380km) để về Hà Nội sớm. Tôi chia tay anh chị Hòm trong sự bịn rịn, chị Hòm nhắc đi nhắc lại với tôi, "bao giờ qua đường nhớ vào nhà chị chơi nhé". Tôi cám ơn mọi người và nổ máy, rẽ làn sương xuống núi.
Đoạn đường từ Du Già về đến Minh Ngọc cảnh sắc rất đẹp, rừng nguyên sinh um tùm, đường cũng được trải nhựa phẳng phiu nên chẳng mấy chốc tôi đã đến trung tâm xã Minh Ngọc.

Minh Ngọc với dãy nhà sàn bằng bê tông cốt thép xây thành dãy hai bên đường.


Tôi qua Thị xã Hà Giang rồi đi dọc sông Lô thẳng về Tuyên Quang, sau đó theo quốc lộ 2C đi giữa một vùng trung du tuyệt đẹp về đến thị xã Vĩnh Yên. Đến 3 giờ chiều thì tôi đã qua cầu Thăng Long về Hà Nội, thay đồ, tắm rửa rồi ra 1A Láng Hạ uống bia với các anh em trong đội cào cào.
Đây thực sự là một chuyến đi gặp nhiều may mắn của tôi, được trải nghiệm và hiểu ra thêm nhiều điều. Mặc dù đã gần 2 tuần trôi qua nhưng đến hôm nay, dư âm của chuyến đi vẫn còn hừng hực trong tôi. Sau chuyến đi, tôi mới hiểu rõ hơn thế nào là các dân tộc anh em, thế nào là bản sắc văn hóa, thế nào là tình người, thế nào là giàu có, thế nào là hạnh phúc.

3 nhận xét:

  1. Hic hic, bác đi được thế này làm em thèm nhỏ dãi. Em đi Hà Giang bằng ôtô (vì em sợ chết, ko dám đi xe máy) nên cũng chỉ thăm được các bản ven đường. May mà vớt vát hôm sang bảo lạc em thuê xe ôm chở vào tận bản Cốc Xả thăm người Lô Lô. Nghĩ đến bác mà ngưỡng mộ.

    Trả lờiXóa
  2. Muốn được đi như bác quá!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc 1 lèo hết 10 phần của anh. Ảnh anh chụp rất đẹp, nhiều thông tin rất bổ ích. Cảm ơn anh và chúc anh thật nhiều sức khỏe để lang thang trên từng cây số.

    Trả lờiXóa