Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Rừng quốc gia Xuân Sơn - Phú Thọ - Bản Dù phần 2

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường với lương thực (1 cái bánh chưng), nước uống, túi cứu thương, bôi thuốc chống vắt và lên đường.
Đích đến lần này của chúng tôi là đỉnh núi Ten có độ cao trên 1000m so với mực nước biển.
Đường lên núi nằm ngay sau ngôi trường tiểu học rất khang trang của xã Xuân Sơn.


Rừng nguyên sinh um tùm phía sau.


Mặc dù đã bôi thuốc chống vắt đầy người nhưng trước những bất trắc phía trước, tôi vẫn vũ trang một cách tối đa để có thể đối phó với rắn độc, nhện độc, ong, côn trùng trong rừng.


Rừng Xuân Sơn vẫn giữ được nết hoang sơ của một khu rừng nguyên sinh với nhiều cây to và cao vốn là miếng mồi ngon của lâm tặc.


Được biết có 1 đội nghiên cứu của Viện sinh học thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam đang ở sâu trong rừng để nghiên cứu. Chúng tôi cũng ao ước có thể tới lán của họ để chơi nhưng được biết muốn đi đến đó phải đi mất 2 ngày đường rừng nên đành chịu. Tuy nhiên chúng tôi cũng lần theo con đường họ đi theo những dấu vết trên thân cây để xuyên rừng.
Trong rừng hoàn toàn không có đường mà chỉ có thể lần theo dấu vết của những người đi rừng để lại và tự đánh dấu để còn biết lối về.


 Tơời rất nắng nhưng trong rừng già tối om.


 Con đường dốc ngược và rất khó đi nên chẳng mấy chốc tôi thở dốc, lưỡi vắt sang một bên.


Một cây chuối rừng với buồng chuối rất to, thức ăn khoái khẩu của lũ khỉ trong rừng.



  Rất may có một chiếc lán cũ của người đi rừng để chúng tôi dừng lại nghỉ chân. Quả thực đi trong rừng, kiếm được một chỗ để ngồi thật không đơn giản chút nào.


 Ngả lưng cái nào


Một vấn đề lớn khi đi rừng đó là nước uống. Vì sức người có hạn do vậy hành trang để đi càng nhẹ càng tốt, cứ mỗi lít nước là 1 kg hành trang, ngoài ra còn đồ ăn và các vật dụng khác, do vậy chúng tôi chỉ mang đi 2 lít nước cho cả chặng hành trình dự kiến mất 9 tiếng đồng hồ trong rừng. Đi trong rừng mất sức, mồ hôi ra nhiều nên cổ lúc nào cũng khô, uống nước không biết đã khát là gì. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng không uống nhiều, chỉ uống từng ngụm nhỏ, để dành nước cho lúc về vì biết chắc đường về là gian nan nhất, nếu thiếu nước thì nguy to.
Mặc dù trời nắng nhưng ánh sáng trong rừng rất yếu, thỉnh thoảng mới có chỗ những tia nắng có thể lọt xuống dưới tán lá rừng.


Chúng tôi tìm thấy một cây gỗ mục. Bên trong hoàn toàn rỗng nhưng vẫn đứng vững giữa rừng.


Có thể đứng thẳng người trong lòng thân cây.


Đi trong rừng thì gần như không nhìn thấy mình dẫm chân lên cái gì, do vậy nguy cơ dẫm phải một con rắn là rất cao, tôi phải luôn lấy gậy khua khoắng trước khi bước chân để xua rắn nếu có, rất may là chưa gặp phải con rắn nào.


Dưới lớp lá mục cũng là nơi trú ngụ của loài vắt nơi đây, to khủng khiếp. Rất may là chúng tôi có một loại thuốc đặc trị, bôi vào bọn vắt không dám bám theo nữa nên không bị phát nào.


Mặc dù được bảo vệ khá nghiêm ngặt, tuy nhiên thật đáng buồn khi chúng tôi vẫn phải chứng kiến cảnh phá rừng nơi đây. Một cây gỗ hàng trăm năm tuổi đã bị đốn hạ, đang bị xẻ thịt chờ chuyển xuống núi. Dấu vết còn rất mới nhưng không thấy bóng dáng các bạn lâm tặc đâu cả, chắc hết thức ăn phải quay về nhà lấy.


Gỗ đang được xẻ thành tấm để vác xuống cho dễ.



Chúng tôi cũng quyết định dừng lại đây nghỉ ăn trưa với khẩu phần là bánh chưng, sữa tươi.


Càng lên gần tới đỉnh thì đường càng dốc, cây cối um tùm rậm rạp. Chúng tôi phải bám vào cây cối và dây leo mà trèo lên khá nguy hiểm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đặt chân lên đỉnh núi Ten, quang cảnh rất đẹp và hoang sơ như chưa từng có dấu chân người.


Từ đỉnh núi Ten này nếu đi tiếp sẽ đi sâu vào rừng về phía Đà Bắc, Hòa Bình. Khu vực này hứa hẹn rất nhiều điều thú vị để khám phá tuy nhiên cần có nhiều thời gian và trang bị đầy đủ để có thể ngủ lại trong rừng mới có thể đi tiếp được.
Với kinh nghiệm trong rừng, trời tối rất nhanh, nếu không ra khỏi rừng trước 5 giờ chiều thì sẽ không thể tìm thấy đường về, chúng tôi khẩn trương xuống núi, kết thúc cuộc hành trình lần này tại đây.
Mặc dù đã rất cẩn thận đánh dấu đường đi qua nhưng chúng tôi vẫn bị lạc đường do trời tối nhanh. Mỗi lần lạc đường là một lần mất sức rất nhiều do phải quay ngược lại đồng thời giảm sút tinh thần. Chặng về thật sự là rất gian nan vì đã quá mệt, chân cẳng mỏi rã rời, nước thì cũng đã cạn và trời thì sắp tối đến nơi.


Mừng rỡ khi tìm lại được đường về.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng xuống được tới chân núi đúng 5 giờ chiều. Mặc dù mệt nhưng rất vui vì đã vượt qua được chính mình vào những lúc khó khăn nhất.


Kết thúc chuyến đi, chúng tôi lại lên kế hoạch cho chuyến đi sau: Khám phá hang động và núi rừng bản Thân, bản nghèo nhất của vùng Xuân Sơn được ví như một ốc đảo giữa rừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét