Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Sơn La - những nẻo đường biên ải - P1

Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Thanh mục đổ nhân thiểu
Vấn lộ bạch vân đầu

Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Kẻ tri âm ít thấy
Mây trắng hỏi đường qua


Sau những ngày tháng cuối năm bận bù đầu với nỗi lo lắng đời thường, "tháng giên là tháng ăn chơi" nhân những ngày đầu năm mới còn tương đối rảnh rỗi. Tôi lại ngồi với quyển bản đồ để lên một cung đường khai xuân cho thỏa mấy tháng trời không được đi đâu. Thực ra từ mấy tháng nay, tôi cũng đã ấp ủ một cung đường rất hay nhưng không dễ đi. Có hai lý do, thứ nhất là thời tiết, cung đường này phải đi vào mùa khô vì nếu dính mưa thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và coi như là vỡ cung, thứ hai là vấn đề an ninh cũng như pháp lý vì đây là khu vực cao điểm về buôn bán ma túy, đồng thời bị bộ đội biên phòng kiểm soát rất gắt gao. Tuy nhiên thì bây giờ chính là thời điểm thuận lợi để lên đường, thời tiết khô ráo, khả năng bị mưa thấp và nếu có mưa thì cũng sẽ chỉ là mưa nhỏ. Còn về vấn đề thứ hai thì tôi cũng không lo lắm tuy chẳng kịp để xin giấy giới thiệu của Bộ đội biên phòng, đành tùy cơ ứng biến vậy.

Chẳng tính toán và chuẩn bị gì nhiều, tôi và thằng bạn già lại hẹn nhau tối thứ sáu ngày 1-3 lên đường, nhằm thị trấn Mộc Châu thẳng tiến.

Có thể nói, bây giờ đi phượt bằng xe cào cào là điều không phải đơn giản, cần phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm xuất phát cũng như cung đường sẽ đi trong thành phố để có thể đi một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Dắt xe ra ngõ và lên đường.



6h30 chiều thì chúng tôi đã ra khỏi thành phố rồi theo QL6 thẳng tiến.



Chạy buổi tối được cái đường vắng và cũng "thoáng" hơn ban ngày. Đến 8h thì chúng tôi dừng chân tại một quán nhỏ ven đường đầu thành phố Hòa Bình để ăn tối.



Tranh thủ ăn thật nhanh để còn tới Mộc Châu sớm.



Đến khoảng 9h tối thì chúng tôi bắt đầu vượt đèo Thung Khe. Đèo Thung Khe vốn đã rất nguy hiểm khi đi ban ngày và đặc biệt nguy hiểm hơn khi đi buổi tối. Vừa bắt đầu lên đến giữa đèo thì sương mù đã bao phủ toàn bộ con đường, tầm nhìn xa chỉ còn khoảng độ 20m. Hai thằng dò dẫm nối đuôi nhau từ từ vượt qua hơn hai chục km trong sương mờ rồi lại tiếp tục tăng ga phóng thẳng tới thị trấn Mộc Châu.

Tới 10h30 thì thị trấn Mộc Châu đã ở trước mặt, hai thằng vào thẳng khách sạn Sao Xanh để nghỉ, sáng hôm sau sẽ bắt đầu cuộc hành trình thăm thú một vòng quanh tỉnh Sơn La này.


Sơn La là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Bắc và lớn thứ ba trên cả nước (sau Nghệ An và Gia Lai) với đường biên giới (giáp Lào) dài 250km. Phần lớn tỉnh Sơn La ngày nay (gồm thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu) trước năm 1479 là lãnh thổ của vương quốc Bồn Man.

Tiểu quốc của người Thái này được thành lập vào khoảng năm 1369 sau khi nhà Nguyên mất quyền kiểm soát ở Vân Nam vào tay nhà Minh - Trung Quốc. Các bộ tộc người Thái ở phía nam Vân Nam, với sự hậu thuẫn của hoàng thân quan quân Đại Lý mất nước chạy xuống, dành được cơ hội độc lập trong lãnh thổ với phía tây và phía nam là vương quốc Lan Xang (Lão Qua), phía đông và phía bắc là Đại Việt. Vương quốc được các tù trưởng thuộc dòng họ Cầm cai trị ở Sầm Nưa (ngày nay là thị xã Sầm Nưa của Lào), dân số ước chừng 9 vạn hộ.

Nước Đại Lý vốn rất nổi tiếng trong tiểu thuyết "Thiên Long Bát Bộ" và "Lục Mạch Thần Kiếm" của Kim Dung có hai ông vua là Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh, Trung Tông Đoàn Chính Thuần là hai nhân vật có thật. Một trong những cư dân Đại Lý là giống người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du bắc Việt Nam. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, Thổ, Nùng. Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn tránh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía nam và tây nam.

Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo nhiều du binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.

Năm Mậu Thìn (1448) Bồn Man (phía đông nam giáp tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Hưng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Đại Việt và phía tây tới tận Hủa Phăn của Lạn Xang) xin nội thuộc Đại Việt, Nhà Lê đặt làm châu Qui Hợp . Nhưng các thổ hào ở đây vẫn luôn quấy phá Đại Việt. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), triều Lê Thánh tông sai “Bảo chính công thần nhập nội Thiếu bảo trụ quốc” Lê Hy Cát (1438-1483) chỉ huy quân đi dẹp.

Năm 1478, Cầm Công (thủ lĩnh của Bồn Man) liên kết với Lão Qua (là đất Thượng Lào- tức Luang Prabang - ở phía Tây Bắc nước ta, có khi còn gọi là nước Nam Chướng) đem binh quấy nhiễu, cướp bóc ở khu vực phía tây của Đại Việt. Mùa Thu năm Kỷ Hợi (1479) Lê Thánh Tông sai “thái úy Lê Thọ Vực làm Chinh tây tướng quân, đi theo đường chính phủ Trà Lân; đô đốc Đông quân phủ Trịnh Công Lộ làm Chinh di tướng quân, đi theo đường An Tây; Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn đi theo đường Ngọc Ma; Du Kỵ phó tướng quân Lê Lộng đi theo đường Thuận Châu và Mỗi Châu; Thảo tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu đi theo đường phủ Thanh đô” từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa đi đánh dẹp phá tan quân Bồn Man và Lão Qua. Nhân thế thắng, kéo vào thành Lão Qua, lấy được của báu. Vua Lão Qua phải chạy trốn, quân Đại Việt truy đánh tới lưu vực sông Mê Kông (Kim Sa) giáp với Miến Điện ngày nay. Sau đó, để dẹp loạn tận gốc, Thánh Tông lại sai Lê Niệm cầm quân sang đánh Bồn Man, tù trưởng Bồn Man là Cầm Công bị thua chết, người Bồn Man đều xin hàng. Sau khi Cầm Công bị giết, Lê Thánh Tông đã sát nhập lãnh thổ Bồn Man vào Đại Việt, đặt tên là xứ Trấn Ninh (Sầm Nưa sau này gọi là Sầm Châu) và giao cho một người họ hàng của Cầm Công là Cầm Đông làm Tuyên úy Đại sứ nhưng việc quản lý thực sự vẫn do các quan binh Đại Việt nắm. Đây là lần tây chinh xa nhất của Đại Việt. Từ đó, phần lãnh thổ này thuộc về Việt Nam.

Khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise, theo Sắc lệnh của Chính phủ Cộng hoà Pháp ký ngày 17 tháng 10 năm 1887, sau đó vào ngày 18/4/1899 có Sắc lệnh sát nhập thêm Lào) đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Houaphan (Hủa Phăn) giao về lãnh thổ Lào, vậy là nước Việt Nam ta mất đi một phần lãnh thổ từ đó.

Sau năm 1946, tỉnh Sơn La cùng với hai tỉnh Lai Châu và Phong Thổ (do Pháp lập ra) lập thành "Xứ Thái tự trị”nằm dưới sự chỉ đạo của Pháp. Bạc Cầm Quý làm tỉnh trưởng Sơn La.

1948-1953: thuộc Liên khu Việt Bắc. Lúc này tỉnh Sơn La có 6 huyện: Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu.

1953-1955: thuộc Khu Tây Bắc

1955-1962: bỏ cấp tỉnh, thuộc Khu tự trị Thái Mèo.

1962-1975: tái lập tỉnh, thuộc Khu tự trị Tây Bắc (đổi tên từ Khu tự trị Thái Mèo), có 7 huyện: thêm huyện Quỳnh Nhai và Sông Mã, còn huyện Phù Yên chuyển sang tỉnh Nghĩa Lộ mới thành lập.

Sau khi giải thể Khu tự trị Tây Bắc, tỉnh Sơn La nhập thêm 2 huyện của tỉnh Nghĩa Lộ giải thể là Phù Yên và Bắc Yên.

Và đặc biệt, Sơn La khi xưa là xứ sở của cây Anh Túc cùng với Yên Bái và Lai Châu.

 

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, chuẩn bị đồ đạc để lên đường đi cửa khẩu Lóng Sập (Pa Háng), dự định tìm xe từ đó có con đường mòn nào ven biên giới để đi hay không.

Ăn sáng tại khách sạn Sao Xanh.



Trong lúc ăn sáng, rất may mắn là tình cờ, chúng tôi lại gặp một đoàn công tác của bà Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch quốc hội và ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư tỉnh Sơn La cũng đang nghỉ tại khách sạn Sao Xanh.

Chẳng ngại hai thằng phượt thủ bụi bặm, chúng tôi được chụp hình lưu niệm cùng hai vị lãnh đạo hàng đầu của tỉnh Sơn La trước khi khởi hành, thật là một bất ngờ lớn cho chúng tôi.


























Một bất ngờ thứ hai là tôi cũng gặp Hùng Sài Gòn ở khách sạn này, lâu lắm mới gặp lại hắn và lại là gặp ở tận Mộc Châu chứ không phải ở Hà Nội.



Chia tay mọi người, chúng tôi lên xe nhằm QL43 thẳng tiến.



Vẫn là con đường tới thác Dải Yếm chúng tôi mới đi vừa rồi.



Mùa này Mộc Châu cũng không đông khách du lịch lắm, con đường qua thác Dải Yếm vắng ngắt.



Từ thị trấn Mộc Châu đến cửa khẩu Lóng Sập dài 31km nhưng chẳng có lối rẽ nào để đi sát biên giới.



Qua một bản nằm sát cửa khẩu.

 

Lóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa là ba xã biên giới của huyện Mộc Châu vốn được mệnh danh là chảo lửa của tội phạm ma túy.

Theo báo chí thì Lóng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa có địa hình chủ yếu là núi cao, rừng rậm, nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới. Dân cư chủ yếu là người Mông, sống rải rác bên các sườn núi, đời sống rất khó khăn, lại vốn có mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời hai bên biên giới Việt - Lào. Ở bên kia biên giới là các bản: Muống, Pưng, Huổi Hiềng thuộc cụm Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Hầu hết đầu nậu, trùm ma túy ở khu vực này đều có mối quan hệ gia đình, dòng họ làm ăn nhiều năm với các ông chủ quanh Tam giác Vàng - trung tâm sản xuất ma túy của cả thế giới.

Tại các “bản ma túy” này, đời sống nhân dân rất khá giả, chủ yếu từ buôn bán ma túy, nhất là bản Muống có gần 100% số hộ tham gia mua bán, vận chuyển ma túy. Người dân tự làm đường, các công trình phúc lợi, mua sắm ô tô sang trọng, đắt tiền. Từ đây, những đường dây ma túy với quy mô khác nhau đã xuyên biên giới vào Việt Nam với những công đoạn có tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi và đặc biệt liều lĩnh. Ma túy ở đây đều có nguồn gốc từ Tam giác Vàng, được vận chuyển về thị xã Sầm Nưa (Lào), sau đó tập kết tại các bản sát biên giới rồi đưa vào nội địa qua khu vực Lóng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa. “Hàng” được cất giấu trong rừng, trong hang động, thậm chí cất ngay trong nhà, sau đó dùng người nhà hoặc thuê người vận chuyển theo chuyến. Trên đoạn biên giới từ cửa khẩu Lóng Sập đến khu vực giáp với bản Huổi Hiềng (Lào) khoảng 20km, có 34 đường mòn, đường tắt qua biên giới. Nhưng bọn chúng thường men theo sườn núi cao hiểm trở, vách núi dựng đứng và rừng cây rậm rạp, có đoạn men theo bờ suối vắng vẻ để vận chuyển ma túy trên tuyến đường mòn dưới chân núi Pha Luông thuộc địa bàn xã Chiềng Sơn. Mỗi đêm, có ít nhất từ 2 đến 5 nhóm đối tượng từ trong nội địa vượt biên sang Lào và cũng chừng ấy nhóm từ Lào xâm nhập nội biên, mỗi nhóm từ 3-8 tên, có khi tới 16 tên, hầu hết đều mang theo súng AK, CKC, săm lếch, K54, K59.

Các đối tượng vẫn chủ yếu hoạt động vào ban đêm và tổ chức thành từng toán 3-10 tên, có toán tới 20 tên, ngoài súng ngắn, súng dài các loại còn có cả lựu đạn, vai khoác ba lô đựng ma túy đi theo sườn bắc dãy núi Pha Luông đến địa bàn xã Chiềng Sơn, Chiềng Xuân rồi đi sâu vào nội địa. Sau lần bị mật phục, bắt giữ cả người lẫn hàng, chúng chuyển hướng đi theo các đường vòng tránh an toàn hơn. Anh Doanh và anh Chuẩn, người bản Co Phương, xã Chiềng Sơn, làm nghề đi rừng bẫy thú cho biết các anh thường xuyên gặp những nhóm từ 5-20 người khoác ba lô, mang súng và lựu đạn đi từ Lào về ngồi nghỉ tại một hang đá trong rừng Pha Luông, đợi trời tối mới xuống chân núi rồi vào nội địa. Có lần, họ còn cho các anh thức ăn và giày đi rừng. - Theo Thanh Hòa (Công An TP.HCM)

Đi trên con đường ma túy này có cảm giác khá hồi hộp và bất an. Thứ nhất, rất dễ bị công an, biên phòng nghi ngờ là dân buôn bán và vận chuyển ma túy, có thể dừng xe lại và đè ra khám xét bất cứ lúc nào. Thứ hai là dân buôn bán và vận chuyển ma túy lại ngờ mình là người của công an hay biên phòng, nhỡ đâu gặp họ đang trên đường lại rút súng ra đòm một phát để diệt khẩu thì xong. Tuy nhiên thì càng mạo hiểm thì cảm giác lại càng thú vị, do vậy tôi vẫn muốn đi theo con đường suốt dọc tuyến biên giới nóng bỏng này để xem có gì lạ không.

QL43 ngoằn nghoèo vắng vẻ và có những đoạn khá đẹp. Con suối bên tay phải chính là con suối đổ ra từ thác Dải Yếm.



Trung tâm xã Lóng Sập, khá thưa thớt và vắng vẻ, cảm giác khi đi qua đây như luôn có những con mắt đang chăm chú dõi theo mình một cách bí mật.



Một căn nhà sàn xộc xệ bên thân cây khẳng khiu.



Đằng kia có một chiếc xe chở khá đông khách tham quan du lịch gì đó.



Đã lên đến độ cao có số khá đẹp: 1234m.



Chạy một đoạn nữa thì chúng tôi ra đến cửa khẩu Lóng Sập (bên kia gọi là Pa Háng cách nhau một đoạn chừng 500m)



Vậy là không có con đường nào rẽ ngang ra biên giới cả, đành quay lại đường 6 vậy.

Trạm kiểm soát liên hợp của cửa khẩu Lóng Sập.



Độ cao tại cửa khẩu là 1304m.



Ngắm nghía một lúc, chúng tôi lại lộn trở ra đường 6 để đi tới Tà Làng Thấp rồi đi dọc đường biên giới Việt - Lào nóng bỏng nơi đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét