Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Một vòng đồng bằng Bắc Bộ phần 7

Đánh vật với tuyến đê biển Tiền Hải đến khoảng 7h30 thì chúng tôi tới được bãi biển Đồng Châu. Trời tối om, vắng tanh không một bóng người. Ba thằng mò mẫm trên đê một lúc thì nhìn thấy một cái khách sạn rất to nhưng có vẻ đã bị bỏ hoang hàng chục năm nay rồi. Lối vào khách sạn đã bị xây bịt từ bao giờ, cỏ dại mọc um tùm. Đoán chắc kiểu gì cũng có người trong đó, tôi lao liều xuống một lối đi nhỏ ven đê để đi vòng sang mặt kia xem sao.

Hóa ra có một con đường nhựa song song với bờ đê, cổng chính để vào khách sạn này cũng nằm ở đó. Thấy biển đề khách sạn Công Đoàn, thảo nào mà to thế. Khoảng những năm cuối thập kỷ 80 thì hệ thống khách sạn Công Đoàn là hoành tráng nhất của ngành du lịch Việt Nam, ở bãi biển nào thì khách sạn Công Đoàn cũng là to nhất và oách nhất. Cái Khách sạn Công Đoàn ở Đồng Châu này cũng vậy, khách sạn được xây 4 tầng, nhìn tổng thể thì ít nhất nó cũng phải có 50 phòng, hội trường, nhà ăn, sân cầu lông... vườn cây rộng mênh mông bát ngát. Mặt ngoài khách sạn được trát bằng đá rửa, cộng nghệ ngoại thất đỉnh cao của những năm 80, cầu thang thì trát granito màu đỏ, nền nhà lát gạch đá hoa hình hộp, thứ gạch chỉ có các đại gia thời bao cấp mới dám dùng. Có thể nói cái khách sạn này ngày đó được đầu tư hết sức hoành tráng, thậm chí còn oách hơn các khách sạn lớn ở Hà Nội.

Tuy nhiên lúc này, nhìn khách sạn không khác gì một bối cảnh trong những bộ phim kinh dị của Hollywood. Qua cái cổng rỉ hoét xiêu vẹo là con đường sâu hun hút, tối tăm dưới tán lá của những gốc cây xù xì. Chẳng gặp ai, chỉ có mấy con chó sủa huyên náo, chẳng có lấy một bóng đèn hay một biểu hiện gì của dịch vụ ở đây cả. Đi sâu qua mấy cái sân rộng thì tôi thấy có ánh sáng le lói từ một ngọn đèn compact hắt ra, rồi có một bà già vừa suỵt chó vừa đon đả với chất giọng the thé chào đón chúng tôi.

Bà ta bắt chúng tôi phóng xe lên tận sảnh rồi cho sâu vào tận trong gầm cầu thang để yên tâm, sau đó cuống quýt mời chúng tôi ngồi và hỏi thăm hết câu này đến câu khác không kịp cho chúng tôi trả lời. Có vẻ ở đây cả thập kỷ rồi không có khách, nhìn xung quanh, tôi có cảm giác là khách vào cái khách sạn này rồi chẳng có ra nữa.

Mà quái lạ, cả cái khách sạn lớn thế này mà chỉ có mỗi mình bà già trông coi, phục vụ, mà nhìn vẻ mặt của bà ta thì có vẻ chả sợ ai cả. Bà già hỏi chúng tôi muốn ăn gì rồi quảng cáo là ở đây cái gì cũng có, chúng tôi bàn nhau một hồi rồi order vài món, bà ta mượn chúng tôi điện thoại rồi gọi cho ai đó để lấy hàng, bắn liên thanh một hồi rồi bảo là có mỗi cua với tôm và cá thu thôi. Thôi thì đành lòng vậy, lại cua gạch, tôm hấp và ít cá thu sốt để ăn cơm.

Bà già liền cất tiếng gọi, hóa ra còn một người đàn ông nữa ở đây trông coi khách sạn. Ông này chắc cũng ngoài 50, hình dạng khá cổ quái, cánh tay bên phải của ông ấy chỉ ngắn bằng một nửa cánh tay bên trái mặc dù có đầy đủ khuỷu tay và bàn tay. Ông ta lại mượn điện thoại của tôi để gọi đồ ăn rồi lại chạy biến đi làm việc gì đấy. Bà già dẫn chúng tôi lên phòng để cất đồ, chỉ cho chúng tôi cả dãy phòng và bảo, các cháu thích phòng nào thì cứ vào. 

Bà chủ đưa cho chúng tôi một nắm chìa khóa, tôi lấy từng cái ra thử mở cửa phòng đầu tiên, chìa khóa văn được rồi nhưng sao không mở được cửa, tôi tức mình đạp mạnh một phát thì cánh cửa tung ra, thế là vào được bên trong. Một mùi ẩm mốc xộc vào mũi tôi, dò dẫm mãi mới tìm được cái công tắc để bật đèn. Có hai cái giường, một cái to một cái nhỏ, phòng có điều hòa nhiệt độ nhưng chắc chỉ để thay cái quạt, hơi hơi mát một tý, cái ti vi trong phòng thì rõ ràng đã cắm điện nhưng không tài nào bật lên được, thôi bỏ đi, đằng nào mình cũng chẳng xem.

Đi vào nhà vệ sinh thì ôi thôi, cái cánh cửa nó long hẳn ra, được dựng tạm bợ vào một bên, cửa kính ra vào thì trong suốt, nhìn thông thống thẳng vào trong. Vòi nước thì rỉ sét mốc lên xù xì như một con cóc cụ, tôi vặn thử, cũng may là có nước.

Quay ra thì thấy thằng bạn già chạy vào phòng, nó bảo tôi, "phòng của ông là quá lịch sự so với phòng của tôi" thế mới khiếp.

Tôi xếp đồ vào phòng rồi đi tắm, mở cái vòi hoa sen thì nước chỉ chảy ra ở vòi, cái nút điều chỉnh thì mất từ bao giờ, loay hoay mất một lúc không biết làm thế nào để tắm, sau tôi mới phát hiện ra một cách là lấy một tay bịt cái vòi nước lại thì nước sẽ phun ra từ vòi hoa sen. Cơ mà như vậy là tôi phải tắm bằng một tay, thôi cũng được, có là may rồi.

Tắm rửa xong xuôi, nhẹ cả người, tôi ra hành lang hóng gió một chút, có tiếng gì quang quác, phành phạc trên đầu đến ghê. Ngó cổ lên trên tầng thượng thì có cả đàn chim lợn mười mấy con đang đuổi nhau, con nào con đấy to tướng, dang đôi cánh màu trắng đục quạt điên cuồng như những bóng ma lao vun vút vào đêm tối.

Đúng lúc này thì có hai bạn phượt từ Hà Nội cũng đi đến đây, thế là nhập hội cùng chúng tôi, hai bạn này cũng giỏi, mò mẫm thế nào mà chui được vào đây. Vậy là tối nay có 5 người ở đây, vui rồi.

Cả bọn tắm rửa xong thì cơm cũng đã xong, bà già lắm mồm này cũng giỏi thật, mình bà ta xoay xở một lúc cũng làm xong cơm cho cả bọn chúng tôi. Mỗi tội bà ta ngồi bên cạnh bắn như đại liên khiến chúng tôi vừa ăn vừa gai hết cả người, cứ sau mỗi câu, bà ta lại giật dọng "Này" một cái làm chúng tôi giật hết cả mình.

Nhưng của đáng tội, sau một chặng đi dài, được ăn cua gạch, tôm hấp bia lạnh với cơm nóng canh ngọt thì cũng sướng, cả hội chén tỳ tỳ hết sạch 5 con cua, nửa cân tôm, hai đĩa cá thu... rồi ngồi tán phét với nhau đến hơn mười giờ thì đi ngủ.  

Sáng hôm sau, tôi lấy xe máy phóng ra bãi biển chơi ngắm bình minh.


Quang cảnh khác hẳn tối hôm qua, bình yên và thơ mộng tuyệt vời


Bạt ngàn những chòi nuôi ngao


Rau muống biển xanh um với những bông hoa màu tím


Chưa thấy ở đâu nhiều rau muống biển như thế này


Anh này chắc từ chòi canh trở về nhà


Giăng lưới nuôi ngao


Nếu hỏi mười người đi Đồng Châu du lịch, chín người sẽ nói là ở Đồng châu chẳng có gì, dịch vụ thì kém và thề sẽ không bao giờ quay lại. Riêng với tôi thì lại rất thích kiểu hoang sơ và thanh bình ở đây. Nếu đi một mình, chắc chắn tôi sẽ tìm cách ngủ nhờ ở một trong những cái chòi canh ngao ngoài biển kia để tận hưởng không khí của biển và tìm hiểu cách nuôi ngao của người dân nơi này.


Đê biển Đồng Châu


Quán nước ven đê


Khách sạn Công Đoàn


Thằng bạn già vừa ngủ dậy


Cái khách sạn này, tôi nghe đồn là có một cô sinh viên, thỉnh thoảng lại về đây thuê một phòng, ở tịt trong đó vài ngày rồi lại biến mất. Chẳng hiểu cô ta về đây làm gì, ở cái phòng nào trong số hơn 50 phòng này, nghe có vẻ giống như Mai Siêu Phong về đây để luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo vậy. Có lẽ lần sau qua đây, tôi sẽ hỏi bà già lắm mồm kia, có khi lại điều tra ra một điều gì đó thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét