Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Pa Vệ Sủ những ngày thu nắng và mưa - P1

"Chúng tôi, ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường. Non sông và phong tục, mỗi nơi mỗi lạ, mỗi bước rời chân mỗi thấy tuyệt vời. Nhìn không biết chán. Mỏi chẳng muốn dừng. Bạn đọc yêu quý, thật có đi, có trải, còn như ro ró cái thân sớm chiều ngơ ngẩn góc bãi cửa hang thì sao hiểu được trời đất, bến bờ là đâu." - Dế mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài

--------------------

Lại một mùa thu nữa đã tới, tiết trời khô ráo mát mẻ, lúa đang vào vụ gặt trên khắp các thửa ruộng bậc thang Tây Bắc, máu phiêu lãng trong người lại dâng tràn, phải lên đường thôi. Thực ra thì từ cách đây đến hơn một tháng, tôi đã có dự định cho cuộc hành trình này rồi, có điều vì những tháng vừa qua, công việc của tôi rất bận rộn và căng thẳng, để có thể thu xếp thời gian cho một chuyến đi dài gần một tuần không phải là điều đơn giản. Tranh thủ lúc mọi việc có vẻ ổn ổn, tôi xin nghỉ phép và cùng anh em bạn bè chuẩn bị gấp cho chuyến đi lần này tới một nơi khá xa Hà Nội và cũng có rất ít người đã từng đến, đó là ba xã vùng sâu của huyện Mường Tè - Lai Châu là Pa Vệ Sủ, Pa Ủ và Tà Tổng. 

Qua tìm hiểu thì tôi thấy thông tin về ba xã này khá ít ỏi trên mạng, đặc biệt là Tà Tổng hiện nay tình hình an ninh đang rất căng thẳng. Sau sự kiện Mường Nhé dịp 30/4 năm ngoái thì Tà Tổng là nơi hiện cũng đang trong diện theo dõi đặc biệt và rất rủi ro nếu đi vào xã này mà không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên thì chúng tôi vẫn quyết tâm đi bằng được bất chấp mọi khó khăn có thể xảy ra. 

Như mọi khi thì việc đầu tiên là xin giấy giới thiệu của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Lai Châu để được phép vào các xã biên giới Pa Vệ Sủ và Pa Ủ, còn Tà Tổng vì không phải là xã biên giới thì chúng tôi sẽ tuỳ cơ ứng biến. Mãi đến tận hôm trước khi lên đường, chúng tôi mới nhận được giấy giới thiệu, vậy là có thể yên tâm lên đường được rồi.

Giống như lần đi Ka Lăng - Thu Lũm năm ngoái, chúng tôi lại chọn giải pháp gửi xe máy lên Điện Biên trước, sau đó sẽ đi xe khách giường nằm Hà Nội - Điện Biên để tiết kiệm thời gian và sức lực cho chuyến đi.

Đúng 19h45 xe khách bắt đầu xuất phát tại bến xe Mỹ Đình.


Xe khách giường nằm đi Điện Biên nhìn chung có chất lượng khá tốt, lái phụ xe phục vụ khá chu đáo và hòa nhã. Mặc dù đường rất quanh co, nhiều đèo dốc nguy hiểm và nhiều đoạn xấu nhưng lái xe chạy rất tốt khiến hành khách đỡ mệt hơn chứ không chạy kiểu côn đồ như xe buýt ở Hà Nội.

Đến 7h sáng hôm sau, chúng tôi đã có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ. Một điều rất thuận tiện là ngay phía đối diện bến xe có rất nhiều nhà nghỉ, chúng tôi vào lấy một phòng, đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi ra ngay sau chợ trung tâm thành phố lấy xe máy đã để sẵn ở đó rồi buộc đồ chuẩn bị khởi hành.

Trước lúc lên đường.


Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Pa Vệ Sủ hay còn gọi là Pa Vệ Sử nằm ở phía bắc thị trấn Mường Tè, cách trung tâm thị trấn khoảng 45km. 

Chúng tôi rời thành phố Điện Biên Phủ, theo QL 12 đi Mường Lay (TX Lai Châu cũ).


Lúa vẫn còn chín vàng hai bên đường.


QL 12 đoạn từ thành phố Điện Biên đi Mường Chà rất đẹp, thoải mái tăng tốc.


Mấy ngày trước, Điện Biên mưa to như trút nhưng thật may mắn, đến lúc chúng tôi đi thì thời tiết lại rất đẹp, trời khô ráo dễ chịu.


Một đoạn dốc cua tay áo lên con đèo đầu tiên.


Đây đó người dân đã bắt đầu gặt lúa, rơm chất đống hai bên đường chờ đốt.


Một đoạn đường chạy tới cuối thung lũng tuyệt đẹp với lúa chín vàng hai bên đường.


Tại chân đèo Ma Thì Hồ cách Mường Lay 36km.


Đèo Ma Thì Hồ tuy không phải là một con đèo cao và nguy hiểm lắm nhưng lại rất đẹp vì rợp bóng cây rừng hai bên đường. Suốt chiều dài của đèo Ma Thì Hồ là các bản nhỏ của người Mông thuộc xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Mông Tây Bắc, đặc biệt ấn tượng là những bộ váy Mông màu đỏ sặc sỡ với các họa tiết cầu kỳ của phụ nữ.


Phụ nữ Mông bán rau củ quả trên đèo Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà.


Qua khỏi đèo Ma Thì Hồ một đoạn nữa thì chúng tôi tới thị trấn Mường Lay. Lúc này cũng đã giữa trưa, tôi dẫn mọi người tới một quán cơm ở trung tâm thị trấn để ăn uống nghỉ trưa.

Quán ăn rất sạch sẽ, đồ ăn ngon và giá cả hợp lý. Đặc biệt họ có món thịt lợn chao lá chanh rất ngon, gần giống với món bê chao ở Mộc Châu. Một phần có lẽ là do giống lợn ở đây đã ngon sẵn ngoài ra với cách chế biến đặc biệt này, miếng thịt nóng hổi ăn rất thơm, giòn, ngọt và béo nhưng không ngấy. Đúng là mỗi nơi lại có một nét ẩm thực đặc trưng riêng rất hay.


Ăn trưa nghỉ ngơi xong, chúng tôi lại lên đường băng qua cầu Hang Tôm mới tới ngã ba giao giữa QL12 và tỉnh lộ 127. Dòng sông Đà ở đây giờ đã trở thành hồ thuỷ điện Sơn La trải rộng mênh mông lặng sóng dưới ánh nắng ban trưa.


Đoạn đầu Tỉnh lộ 127 đi Mường Tè, Pắc Ma, nơi đây có đền thờ Lê Lợi với tấm bia đá nổi tiếng khắc bài thơ khi ông thân chinh mang quân đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn năm 1431:

Bọn quân điên cuồng sao dám tránh sự trừng phạt, 
Dân biên thùy đã từ lâu đợi ta đến cứu sống. 
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có, 
Đất đai hiểm trở từ nay không còn. 
Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ, 
Sông núi từ nay nhập vào bản đồ. 
Đề thơ khắc vào núi đá 
Trấn giữ phía Tây nước Việt ta. 


Một đoạn sông Đà nước xanh như pha mực bên thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng.


Đoạn đường từ Mường Lay tới thuỷ điện Lai Châu rất đẹp, đường nhẵn lỳ.


Công trường thuỷ điện Lai Châu đang được thi công gấp rút để kịp hoàn thành trước tiến độ đã định.


Lội qua một vũng nước ngập tại công trường thuỷ điện Lai Châu, đây là chỗ tôi vẫn ngại đi qua nhất, đặc biệt là vào buổi tối vì bụi bẩn, bùn lầy và rất nhiều xe công trình đi lại khá nguy hiểm.



1 nhận xét:

  1. Tôi không bỏ qua 1 cuộc phiêu lưu nào của bạn cả. Tôi đọc hết, đọc nhiều lần, thậm chí tôi còn tò mò tìm fb của bạn chỉ để xem ngoài đời bạn như thế nào. Nhưng chắc ko có duyên nên tôi ko tìm thấy. Thật sự rất ngưỡng mộ bạn

    Trả lờiXóa