Sơn Lập, một cái tên gần như rất xa lạ với bất cứ ai, ngay cả nếu bạn gõ vào Google thì cũng chỉ tìm ra thông tin rằng Sơn Lập là một xã mới được tách ra từ xã Sơn Lộ của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng theo nghị định số 183/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 12 năm 2007.
Từ quốc lộ 34, chúng tôi vượt 35km đèo dốc dựng đứng, cheo leo cực kỳ nguy hiểm mới tiến được tới sát địa giới xã Sơn Lập. Còn cách trung tâm xã chừng 6 km thì chúng tôi phải bỏ xe ngoài đường để đi bộ. Men theo bờ vực rồi băng qua một thung lũng trồng toàn ngô, vượt qua ba quả đồi sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi tới trung tâm xã Sơn Lập, nằm biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ngay tại trung tâm xã, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai dãy lớp học của trường PTCS Sơn Lập được làm bằng tre nứa sơ sài với mái phibro xi măng tấm còn tấm mất nhìn rất thảm thương. Trong lớp, bàn ghế ngổn ngang thô kệch, nước mưa qua mái vỡ rơi xuống đọng thành vũng vàng khè trong lớp từ bao giờ. Trên bảng vẫn còn đề thi kiểm tra học kỳ II mà các em vừa mới làm xong hôm qua. Với lớp học như thế này, mùa hè ngồi trong lớp thì nắng, mùa đông thì chẳng khác gì ngồi ngoài trời, còn trời mưa thì không lẽ các em trùm áo mưa ngồi trong lớp học hay sao?
Trò chuyện với các thầy cô giáo trường PTCS Sơn Lập, chúng tôi được biết hiện nay, do quá khó khăn nên xã chưa tiến hành sửa chữa trường lớp cho các em học sinh được, hôm nào mưa, cả trường phải nghỉ học vì lớp học quá dột nát. Mùa đông, nhiệt độ ở đây thường xuống đến 3, 4 độ, thầy trò đi học rất khổ sở vì cái rét.
Sơn Lập là một xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135, ở đây không có điện lưới, không có điện thoại và truyền hình. Các thầy cô giáo cho biết, tết vừa rồi xã được Ủy ban Dân tộc cho lắp điện mặt trời ở trường học, ủy ban xã và trạm y tế xã, đã phần nào cải thiện được đời sống của các cán bộ đang công tác tại nơi đây. Cả xã chỉ có 1 chiếc ti vi đặt tại ủy ban, phải dùng ăng ten chảo để bắt sóng vệ tinh xem tin tức nhưng cũng lúc được lúc mất vì điện quá yếu.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, Ủy ban dân tộc đã ban hành quyết định số 175/QĐ-UBDT ngày 15 tháng 06 năm 2010 theo đó, 70 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có Sơn Lập được đầu tư đồng bộ với thiết bị thuộc các hệ điện mặt trời của dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” như sau:
- Trụ sở các UBND xã: Công suất: 600w
- Trạm Y tế xã: Công suất: 400w
- Tủ bảo quản Vaccine: Công suất: 200w
- Nhà văn hóa xã: Công suất: 400w
- Trạm nạp ắc – quy: Công suất: 800w
- Trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Công suất: 600w
Tổng giá trị của dự án lên tới 197.273.931.255 VNĐ trong đó phần lớn là vay ODA của chính phủ Phần Lan. Theo báo cáo số 104/BC-UBDT ngày 03-12-2012 của Ủy ban dân tộc thì toàn bộ dự án trên 70 xã đã được lắp đặt xong, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Vậy mà thực tế ở Sơn Lập, chỉ có trường học, ủy ban xã và trạm y tế xã có lắp hệ thống điện mặt trời, còn toàn bộ các hạng mục khác, đặc biệt là một tháp truyền hình cao 32m và trạm tiếp sóng vệ tinh hoàn toàn không được lắp đặt ở đây không biết lý do tại sao.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, giáo viên trường PTCS Sơn Lập cho biết, lúc đầu cũng nghe nói là có trạm truyền hình nhưng thực tế không hiểu vì sao không thấy ?!
Có lẽ, cần có lời giải đáp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ Ủy ban Dân tộc, chủ đầu tư của dự án trả lời về vấn đề này cho công luận được biết, tại sao còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành mà dự án đã được nghiệm thu và bàn giao, liệu có gì khuất tất trong dự án này hay không?
Đường vào trung tâm xã Sơn Lập.
Cổng UBND xã Sơn Lập.
Ủy ban nhân dân xã Sơn Lập.
Trường PTCS Sơn Lập
Bên trong lớp học
Nước mưa đọng thành vũng trong lớp học vàng khè.
Đề kiểm tra học kỳ II còn đó.
Hơn 2,8 tỷ đầu tư cho hệ thống điện mặt trời ở Sơn Lập chỉ có mấy tấm pin mặt trời thế này thôi sao?
Trên mái nhà của giáo viên.
Trên mái nhà của Ủy ban nhân dân xã.
Còn lớp học của các cháu thì được chiếu sáng bằng "năng lượng mặt trời".
Xã này có duy nhất 1 chiếc TV đạt tại Ủy ban xã nhưng vẫn được đầu tư một tháp truyền hình cao 32m và trạm vệ tinh mặt đất trị giá tiền tỷ, còn lớp học cho các cháu có lẽ chưa cấp thiết nên cứ từ từ.. Tuy nhiên tháp truyền hình và trạm vệ tinh mặt đất chắc sẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của bà con nơi đây vì đến ngày 11-5, không có dấu hiệu gì của những thứ đó hết tại Sơn Lập..
Bộ ăng ten chảo để bắt tín hiệu truyền hình cho chiếc TV duy nhất của xã, một giải pháp rẻ tiền và hiệu quả.
Video clip phỏng vấn các thầy cô giáo trường PTCS Sơn Lập về "Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam" của Ủy ban dân tộc được triển khai tại xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày 11-05-2013.
Öi ...mong sao nhà nuoc thât su se quan tâm dên vung dât nghèo nàn này dê tre con co thê dên truong ...tôi nghiêp cac thây cô giao o dây qua ! Tinh trang kho khan nhu thê mà ho vân dên dô công tac giang day , qua là nhung trai tim nhân hâu chu nhi ? Nhin hinh anh cua lop hoc, thây thuong tre em o vung do qua chu oi !
Trả lờiXóa