Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Làm rõ việc dự án điện mặt trời miền núi bỏ không

5:24 PM, 21/05/2013

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ủy ban Dân tộc kiểm tra, làm rõ sự việc báo Tuổi trẻ phản ánh về việc mặc dù báo cáo đã hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều thiết bị hàng tỉ đồng của dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn phơi mưa nắng.
Báo Tuổi trẻ từ ngày 15 đến 17/5/2013 đăng loạt bài “Tiền tỉ phơi mưa nắng: “Kỳ 1: Lật tẩy một bản báo cáo đẹp”, “Kỳ 2: Làm xong, bỏ đó” và “Kỳ 3: ’Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm’”, phản ánh: Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ (tháng 12/2012) hoàn thành dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn, nhưng dự án vẫn còn một số công trình bất cập về địa điểm lắp đặt, về công tác vận hành, bảo dưỡng. Trong khi đó, đến tháng 3/2013 vẫn còn nhiều thiết bị hàng tỉ đồng của dự án phơi mưa nắng.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Dân tộc kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; nếu đúng phải có biện pháp xử lý, làm rõ trách nhiệm đối với các sai phạm theo đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/6/2013.

Thanh Thanh


Hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Thủ tướng Chính Phủ, nhân dân rất mong chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật để ngăn chặn những vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra gây lãng phí và thất thoát của cải của đất nước trong giai đoạn tình hình kinh tế đang khó khăn như thế này, hơn nữa càng củng cố thêm niềm tin cho nhân dân theo đúng tinh thần dân chủ: Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Thêm một xã đặc biệt khó khăn bị ăn bớt trạm thu phát sóng truyền hình dùng điện mặt trời

Sơn Lập, một cái tên gần như rất xa lạ với bất cứ ai, ngay cả nếu bạn gõ vào Google thì cũng chỉ tìm ra thông tin rằng Sơn Lập là một xã mới được tách ra từ xã Sơn Lộ của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng theo nghị định số 183/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 12 năm 2007.

Từ quốc lộ 34, chúng tôi vượt 35km đèo dốc dựng đứng, cheo leo cực kỳ nguy hiểm mới tiến được tới sát địa giới xã Sơn Lập. Còn cách trung tâm xã chừng 6 km thì chúng tôi phải bỏ xe ngoài đường để đi bộ. Men theo bờ vực rồi băng qua một thung lũng trồng toàn ngô, vượt qua ba quả đồi sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi tới trung tâm xã Sơn Lập, nằm biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. 

Ngay tại trung tâm xã, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai dãy lớp học của trường PTCS Sơn Lập được làm bằng tre nứa sơ sài với mái phibro xi măng tấm còn tấm mất nhìn rất thảm thương. Trong lớp, bàn ghế ngổn ngang thô kệch, nước mưa qua mái vỡ rơi xuống đọng thành vũng vàng khè trong lớp từ bao giờ. Trên bảng vẫn còn đề thi kiểm tra học kỳ II mà các em vừa mới làm xong hôm qua. Với lớp học như thế này, mùa hè ngồi trong lớp thì nắng, mùa đông thì chẳng khác gì ngồi ngoài trời, còn trời mưa thì không lẽ các em trùm áo mưa ngồi trong lớp học hay sao?

Trò chuyện với các thầy cô giáo trường PTCS Sơn Lập, chúng tôi được biết hiện nay, do quá khó khăn nên xã chưa tiến hành sửa chữa trường lớp cho các em học sinh được, hôm nào mưa, cả trường phải nghỉ học vì lớp học quá dột nát. Mùa đông, nhiệt độ ở đây thường xuống đến 3, 4 độ, thầy trò đi học rất khổ sở vì cái rét.

Sơn Lập là một xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135, ở đây không có điện lưới, không có điện thoại và truyền hình. Các thầy cô giáo cho biết, tết vừa rồi xã được Ủy ban Dân tộc cho lắp điện mặt trời ở trường học, ủy ban xã và trạm y tế xã, đã phần nào cải thiện được đời sống của các cán bộ đang công tác tại nơi đây. Cả xã chỉ có 1 chiếc ti vi đặt tại ủy ban, phải dùng ăng ten chảo để bắt sóng vệ tinh xem tin tức nhưng cũng lúc được lúc mất vì điện quá yếu.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, Ủy ban dân tộc đã ban hành quyết định số 175/QĐ-UBDT ngày 15 tháng 06 năm 2010 theo đó, 70 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có Sơn Lập được đầu tư đồng bộ với thiết bị thuộc các hệ điện mặt trời của dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” như sau:

- Trụ sở các UBND xã: Công suất: 600w
- Trạm Y tế xã: Công suất: 400w
- Tủ bảo quản Vaccine: Công suất: 200w
- Nhà văn hóa xã: Công suất: 400w
- Trạm nạp ắc – quy: Công suất: 800w
- Trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Công suất: 600w

Tổng giá trị của dự án lên tới 197.273.931.255 VNĐ trong đó phần lớn là vay ODA của chính phủ Phần Lan. Theo báo cáo số 104/BC-UBDT ngày 03-12-2012 của Ủy ban dân tộc thì toàn bộ dự án trên 70 xã đã được lắp đặt xong, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Vậy mà thực tế ở Sơn Lập, chỉ có trường học, ủy ban xã và trạm y tế xã có lắp hệ thống điện mặt trời, còn toàn bộ các hạng mục khác, đặc biệt là một tháp truyền hình cao 32m và trạm tiếp sóng vệ tinh hoàn toàn không được lắp đặt ở đây không biết lý do tại sao.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, giáo viên trường PTCS Sơn Lập cho biết, lúc đầu cũng nghe nói là có trạm truyền hình nhưng thực tế không hiểu vì sao không thấy ?!

Có lẽ, cần có lời giải đáp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ Ủy ban Dân tộc, chủ đầu tư của dự án trả lời về vấn đề này cho công luận được biết, tại sao còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành mà dự án đã được nghiệm thu và bàn giao, liệu có gì khuất tất trong dự án này hay không?

Đường vào trung tâm xã Sơn Lập.


Cổng UBND xã Sơn Lập.


Ủy ban nhân dân xã Sơn Lập.


Trường PTCS Sơn Lập






Bên trong lớp học


Nước mưa đọng thành vũng trong lớp học vàng khè.


Đề kiểm tra học kỳ II còn đó.


Hơn 2,8 tỷ đầu tư cho hệ thống điện mặt trời ở Sơn Lập chỉ có mấy tấm pin mặt trời thế này thôi sao?

Trên mái nhà của giáo viên.


Trên mái nhà của Ủy ban nhân dân xã.


Còn lớp học của các cháu thì được chiếu sáng bằng "năng lượng mặt trời".


Xã này có duy nhất 1 chiếc TV đạt tại Ủy ban xã nhưng vẫn được đầu tư một tháp truyền hình cao 32m và trạm vệ tinh mặt đất trị giá tiền tỷ, còn lớp học cho các cháu có lẽ chưa cấp thiết nên cứ từ từ.. Tuy nhiên tháp truyền hình và trạm vệ tinh mặt đất chắc sẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của bà con nơi đây vì đến ngày 11-5, không có dấu hiệu gì của những thứ đó hết tại Sơn Lập..

Bộ ăng ten chảo để bắt tín hiệu truyền hình cho chiếc TV duy nhất của xã, một giải pháp rẻ tiền và hiệu quả.


Video clip phỏng vấn các thầy cô giáo trường PTCS Sơn Lập về "Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam" của Ủy ban dân tộc được triển khai tại xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày 11-05-2013.


Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Thực tế tại Háng Đồng ngày 11-5-2013

Sau khi nhận được thông tin có đoàn lên chụp ảnh đống thiết bị phơi mưa nắng suốt 4 năm qua, đơn vị thi công đã lên Háng Đồng để lắp một số tấm pin mặt trời. Tuy nhiên trạm phát sóng truyền hình với tháp phát sóng bằng nhôm Aerial 440/55-32, cao 32m và tủ thiết bị thu phát sóng vẫn bị đút trong xó và vứt lăn lóc ngoài trời không được lắp đặt mặc dù hạng mục này có lẽ là hạng mục đắt tiền nhất của dự án. Liệu đây chỉ là những động thái nhằm đối phó với dư luận? chất lượng của các thiết bị này sau 4 năm bỏ hoang liệu có còn bảo đảm cho việc vận hành?

Không có một đơn vị giám sát hay kiểm tra nào lên Háng Đồng để tiến hành xem xét hay lập biên bản về việc này, có lẽ vì toàn bộ dự án đều đã được các bên tiến hành nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán xong mặc dù thực tế chưa hề được thi công lắp dựng.

Ảnh chụp tại Ủy ban nhân dân xã Háng Đồng ngày 11-05-2013.


Danh mục thiết bị cho trạm thu phát truyền hình qua vệ tinh ban hành kèm theo quyết định Số: 175/QĐ-UBDT ngày 15 tháng 06 năm 2010 của Ủy ban dân tộc.


Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Toàn văn báo cáo số 104/BC-UBDT của Uỷ ban Dân tộc

Báo cáo số 104/BC-UBDT ngày 03/12/2012 của Uỷ ban Dân tộc đã khẳng định tại trang 6:
"- Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc do Phần Lan hỗ trợ được triển khai và xây dựng tại 70 xã đặc biệt khó khăn, dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân sung quanh dự án, đồng thời góp phần tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên, phục vụ lợi ích cộng đồng. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xúc tiến thủ tục đầu tư giai đoạn II"
 
Vậy thì tại sao lại có tình trạng thiết bị còn nguyên trong thùng bị bỏ hoang giữa mưa nắng không được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại Háng Đồng, tính trung thực của báo cáo số 104/BC-UBDT này là như thế nào?

Video clip quay tại Háng Đồng ngày 5-3-2013


Ảnh chụp tại Háng Đồng ngày 5-3-2013

"- Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc do Phần Lan hỗ trợ được triển khai và xây dựng tại 70 xã đặc biệt khó khăn, dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân sung quanh dự án, đồng thời góp phần tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên, phục vụ lợi ích cộng đồng. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xúc tiến thủ tục đầu tư giai đoạn II"

Nguồn: http://cema.gov.vn/modules.php?name=Doc&op=detaildoc&pid=1364

Đây là tài liệu được phổ biến công khai của nhà nước, không phải tài liệu MẬT.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Kết quả buổi làm việc với ngài Tham tán đại sứ quán nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Tomi Särkioja

Nhận lời mời của Ngài Tham tán đại sứ quán nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Tomi Särkioja, vào hồi  10h00 ngày hôm nay 07-05-2013, tôi và anh Đặng Trần Tùng đã có buổi làm việc với ngài Tomi Särkioja và ông Ông Lê Đại Nghĩa, Điều phối Chương trình Giảm nghèo, Nước sạch và xử lý nước thải, Tín dụng ưu đãi, Thương mại và xúc tiến thương mại về hiện trạng của dự án “ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Ông Tomi Särkioja cho biết, ông đã hoàn toàn bất ngờ trước hình ảnh những thùng hàng còn nguyên thiết bị bên trong của dự án này đã bị bỏ hoang mặc cho hư hỏng tại Háng Đồng do tôi cung cấp. Ông  Tomi Särkioja cũng ngỏ lời cảm ơn và đánh giá cao những thông tin của tôi đã giúp Đại sứ quán có cái nhìn thực tế, rõ ràng hơn về tình hình triển khai dự án này tại Việt Nam.
 
Điều phối Chương trình Giảm nghèo, Nước sạch và xử lý nước thải, Tín dụng ưu đãi, Thương mại và xúc tiến thương mại ông Lê Đại Nghĩa cũng xác nhận thông tin là số tiền 5.73 triệu EUR của dự án này đã được Chính phủ Phần Lan giải ngân cho Chính Phủ Việt Nam theo đúng thông tin được công bố của Bộ ngoại giao Phần Lan tuy nhiên đại sứ quán không nắm được số tiền này đã được thanh toán cho các nhà thầu hay chưa.

Kết thúc buổi làm việc, ngài Tomi Särkioja cho biết phía Phần Lan sẽ mở một cuộc điều tra, đồng thời yêu cầu Ban quản lý dự án “ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” và các cơ quan liên quan có báo cáo giải trình về hiện trạng dự án tại Háng Đồng. Ngài Tomi Särkioja cũng khẳng định sẽ tổ chức một đoàn cán bộ đi thị sát tại xã Háng Đồng và các xã khác nằm trong danh sách triển khai của dự án và cam kết sẽ gửi kết quả cuộc điều tra cho tôi ngay sau khi có kết luận.

Tôi đã gửi lời cảm ơn tới ngài Tomi Särkioja vì đã dành thời gian làm việc với tôi và mong đại sứ quán cộng hòa Phần Lan sẽ có những động thái tích cực nhằm làm sáng tỏ vụ việc trong thời gian sớm nhất và hứa sẽ hợp tác với đại sứ quán bất kể lúc nào nếu cần.
 
 

 

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Ảnh chi tiết các thiết bị của NAPS tại Háng Đồng.

Hiện nay, một số bạn có ý kiến chưa rõ là liệu có các thiết bị ở bên trong những chiếc hòm này hay không. Để rộng đường dư luận, tránh những thắc mắc và tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan có được cái nhìn chính xác, tôi xin đăng lại những bức ảnh chụp các thiết bị còn nguyên bên trong hòm để mọi người được rõ.






 

 




Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Toàn bộ số tiền của dự án Năng lượng mặt trời đã được giải ngân

Theo thông tin chính thức từ bộ Ngoại giao Phần Lan, tính đến ngày 21/11/2012, toàn bộ số tiền 5.73 triệu EUR đã được chính phủ Phần Lan giải ngân cho dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”. Như vậy, chính phủ Việt Nam đã nhận nợ số tiền này và ghi vào tổng nợ công của Chính phủ. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy đến thời điểm 21/11/2012, toàn bộ dự án đã được nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán cho các bên. Vậy thì tại sao đống thiết bị trên xã Háng Đồng vẫn còn nguyên đó? Câu hỏi này ai sẽ phải trả lời cho công luận được biết?


 

Toàn văn quyết định số 175/QĐ-UBDT