Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Tiêu dao Đồng Văn-Mèo Vạc-Mậu Duệ-Du Già phần 5

Trên đường đến thị trấn Đồng Văn, tôi nhìn thấy rất nhiều hồ treo mới được xây dựng. Đây là dự án của chính phủ nhằm cải thiện tình hình cung cấp nước sạch sinh hoạt và tưới tiêu cho bà con ở đây. Tuy nhiên năm nay khô hạn nghiêm trọng hầu hết các hồ treo đều không có nước.


Thi thoảng mới có được hồ nước như thế này.


Dọc đường, bà con đi chợ rất đông. Người dân có thể phải đi bộ trên 20km để tới Đồng Văn, vừa là để mua bán, vừa là để giải trí, giao lưu. Mọi người thường mặc những bộ quần áo đẹp nhất và đi từ sáng sớm.


Chợ phiên ở đây vừa là chỗ để trao đổi mua bán, vừa là chỗ giao lưu văn hóa, gặp gỡ cộng đồng.


Một người đàn ông Mông cõng một chú khuyển đi chợ bán.


Đến thị trấn Đồng Văn, tôi vào thuê một phòng khách sạn để tắm rửa và để đồ, cất xe rồi vào hưởng thụ chợ phiên Đồng Văn.
Tên kilimangiaro lần trước đi lên đây chắc bị lỡ phiên chợ này, đi lên Đồng Văn mà không dự chợ phiên kể cũng hơi phí. Chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật hàng tuần, là trung tâm giao thương của cả khu vực này từ Mèo Vạc đến giáp Yên Minh bao gồm cả Phó Bảng, Lũng Cú.
Chỉ có đến với chợ phiên Đồng Văn, mới thấy hết được muôn mầu cuộc sống của người dân nơi đây, mới đánh giá được họ đang giàu hay nghèo, đang sướng hay khổ, và hiểu thêm được một phần đâu là giá trị của cuộc sống.

Thị trấn Đông văn hôm nay đông nghịt người, ai cũng hối hả, vội vã như tranh thủ từng giờ từng phút tận hưởng không khí của phiên chợ.


Ngay phía ngoài chợ là khu bán gạo, gạo phần lớn được mang sang từ Trung Quốc.


Cẩn thận đong từng bơ gạo.


Một anh thợ sửa chữa đồ điện, với một cái đồng hồ vạn năng, anh ta có thể sửa chữa các đồ điện, điện tử đơn giản trong nháy mắt.


Một phút nghỉ chân, cho trẻ ăn kem.


Hàng bán đồ may sẵn


Hàng bán dao, người Mông vốn nổi tiếng về làm dao và đồ sắt, tuy nhiên giờ đây, nghề này đã có phần mai một.


Hàng bán giấy bản, giấy bản dùng để làm đồ thờ cúng, đóng sách vở theo kiểu truyền thống.


Mua giúp đi nào


Một anh Mông với ánh mắt nhìn xa xăm như suy tư về cội nguồn của mình. Nếu các bạn nhìn kỹ vào đôi mắt của anh ta, sẽ nhìn thấy sự khác biệt về mặt nhân chủng học rất rõ. Đôi mắt trong veo màu xanh, chiếc mũi cao, mắt trũng, những dấu vết của một chủng tộc bắt nguồn từ châu Âu. Nhiều người khi đi lên Sapa và các vùng phụ cận, nhìn thấy trẻ con người Mông tóc vàng, mắt xanh, họ cứ nói là do các anh Tây ba lô lên đây nhiều, yêu các cô gái Mông và sinh ra những đứa con lai nhưng thực ra không phải vậy, những đứa trẻ đó lại chính là những người Mông thuần chủng.


Một cô gái rất trẻ và đẹp với hàm răng bịt vàng thể hiện sự sung túc của gia đình cô.


Say trong khói thuốc lào


Một hàng bán đồ tạp hóa


Khu sửa giày


Máy khâu giày, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thiết bị cơ khí phức tạp này, không hiểu sao ở Hà Nội từ xưa tới nay không thấy có.


Hàng bánh bột chiên


Hàng hương


Khu bán xôi, xôi khá dẻo nhưng họ không cho muối nên ăn hơi nhạt.


Khu bán giày dép


Hai mẹ con, bà mẹ trông mặt thì già mà có con bé tý.


Quán rượu đông nghịt.


Đi chợ vùng cao thật hay. Tôi có thể sà vào bất cứ hàng nào, hỏi han, chất vấn người bán hàng, xăm soi hàng hóa mà không có bất cứ một sự khó chịu nào. Ai cũng vui vẻ trả lời những câu hỏi của tôi. Trong chợ không có bất cứ một hành động tiêu cực nào như trộm cắp, móc túi, lừa đảo, ăn xin hay đánh chửi nhau. Mọi người tới đây đối xử với nhau như người nhà, rất thân mật và gần gũi. Chợ phiên như một ngày hội của tuần để mọi người tới đây tận hưởng những giây phút thư giãn sau cả tuần lao động vất vả.


Dãy bán bánh bột nướng. Bột tẻ sau khi được xay nhuyễn và ủ lên men chua, nấu lên và đúc thành hình tròn như bánh dày, sau đó mang ra chợ nướng lên trên bếp than cho nóng và thơm. Mọi người thường mua bánh này để ăn với thắng cố và bánh đa, giá 5000 đồng 1 chiếc.


Một hàng bán bánh đa rất đông khách, bán kèm cả đậu phụ để ăn sống.


Hàng thịt lợn. Thịt lợn ở đây thường không được pha cắt sẵn thành nhiều loại như Hà Nội. Con lợn được chặt ra thành từng khúc nguyên cả xương để bán.


Và đây rồi, quán thắng cố. Tôi chủ định lên chợ Đồng Văn sẽ phải thưởng thức món thắng cố, một đặc sản nổi tiếng của nơi đây.


Thắng cố được múc ra chậu nhựa, mỗi người một chậu xì xụp ăn.


Chảo thắng cố sôi sùng sục bốc khói nghi ngút


Thắng cố là đây


Khác với những gì được báo chí viết ca ngợi nọ kia như một thứ đặc sản cầu kỳ của người Mông, theo đánh giá của tôi, thắng cố là một món ăn hết sức giản dị, không cầu kỳ vốn như đặc tính của con người Mông.

Thắng cố thực chất là một cái chảo nước sôi sùng sục, người ta thả vào đó lòng, gân, thịt... của gia súc như bò, dê, ngựa. Thắng cố ở Đồng Văn không hề có một loại gia vị nào, kể cả muối. Khi ăn, có một túi muối và mì chính trên bàn, người mua tự bỏ vào cho vừa miệng.

Tôi bước vào quán thắng cố, hơi lúng túng vì chưa ăn bao giờ, đành hỏi mọi người xung quanh giờ muốn ăn thì làm thế nào. họ chỉ cho tôi một cái chậu nhựa và một cái muôi gỗ trên bàn, bảo ra chảo thắng cố mà múc. Tôi nhìn chiếc chậu nhựa và cái muôi gỗ mà hơi e ngại vì có vẻ nó đã có người dùng xong và để lại mà chưa được rửa. Tôi gọi ông chủ quán, hỏi ông là ở đây có nước để rửa không. Ông lão chủ quán nhìn tôi như một thằng ngớ ngẩn, rồi bảo muốn sạch thì cầm ra tráng vào chảo thắng cố đang sôi kia kìa. Tôi hơi sốc và sau đó thì cưới phá lên, đúng là mình ngu thật.


Sau khi tráng sạch sẽ vào chảo thắng cố, tôi xúc cho mình lưng chậu nhựa rồi đưa cho ông chủ định giá: 10.000 đồng, OK, tôi bê chậu ra tìm một bàn ngồi thưởng thức. Tôi chọn một bàn có hai vợ chồng người Mông rất trẻ và một đứa con đang ngồi ăn. Thấy chậu thắng cố của họ đã gần hết mà đứa trẻ có vẻ vẫn còn thòm thèm, tôi múc thêm một chậu thắng cố nữa mời họ ăn thêm. Người vợ cám ơn và rút ra túi mèn mén đổ thêm ra ăn, chị cũng trút cho tôi một ít mèn mén để ăn thử với thắng cố.


Gia đình này nhà ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cả 2 vợ chồng đều không nói được tiếng Kinh, tôi phải nhờ một người phiên dịch mới nói chuyện được. Họ đi bộ mất hơn 2 tiếng đồng hồ để đi từ nhà tới đây.


Mèn mén này.


 Cảm nhận đầu tiên về thắng cố của tôi là sự giản dị trong hương vị. Bản thân tôi vốn đã quen với quá nhiều thứ cao lương mỹ vị của thế giới hiện đại được chế biến cầu kỳ từ nguyên liệu, gia vị đến cách nấu nướng, thậm chí là cách ăn. Thắng cố là món không phải để dành cho người sành điệu, nó là thứ hết sức đơn giản nhưng chính trong sự đơn giản ấy lại chứa đựng nhiều điều về văn hóa, cuộc sống của con người nơi đây. Bát thắng cố đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người ở đây nhiều hơn những cao lương mỹ vị nơi thành phố, điều này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về đâu là hạnh phúc thực sự của cuộc sống.Mọi người ngồi xung quanh tôi nói chuyện như thể bạn bè, cho dù là cặp vợ chồng trẻ kia hay ông già đi một mình ngồi bên cạnh. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một không khí rất đầm ấm và chân tình.

6 nhận xét:

  1. đang tìm tài liệu về Đồng Văn thì lạc vào nhà anh. hi, thu được nhiều thứ quá, cảm ơn anh nha!

    Trả lờiXóa
  2. Hi bác, em vừa đọc xong về chuyến Ka Lăng - Thu Lũm, bác viết hay quá. Em lân la sang đọc tiếp bài này. Em cũng vừa đi Hà Giang về - hồi cuối tháng 7 năm 2011. Cái máy khâu mà bác chụp em cũng chụp được, nhưng lúc em chụp thì bác này lại may cặp, đâm ra cứ nghĩ cái máy đó chuyên để may cặp. Còn vụ thắng cố thì phục bác, em chả dám ăn. Hôm đó đứng ngó nghiêng suy nghĩ một hồi đành thôi. Nhưng đúng là thắng cố ở Đồng Văn không thấy có gia vị, hồi em ngó chảo thắng cố ở Bắc Hà thấy có cái lá rừng gì nữa kia.
    Thôi em nghỉ tí rồi sẽ đọc tiếp các phần còn lại. Hẹn 1 ngày lại lên Hà Giang lần nữa.

    Trả lờiXóa
  3. anh BTD ơi, tôi là người Saigon và chưa có dịp đi nhiều nơi trên đất nước mình như anh. Rất hâm mộ những gì anh đã trãi qua!

    Nhờ anh có thể giải thích thêm chi tiết về hai món "thắng cố" và "mèn mén". Xin cám ơn!

    Trả lờiXóa
  4. Người Uganda ở Châu Phi cũng có món ăn giống như món "thắng cố và mèn mén" này

    Trả lờiXóa
  5. Em cũng lên Đồng Văn chơi nhiều lần, có lẽ e cũng có suy ngĩ giống a, hạnh phúc của những người Mông vùng cao thật đơn giản làm cả tuần chỉ mong đến ngày chợ để được ăn bánh đa và thắng cố...

    Trả lờiXóa
  6. Cách mô tả rất hay,cảm ơn nhé!

    Trả lờiXóa