Đường lên bản cheo leo sát mép vực.
Con đường có vẻ dành cho việc đi bộ hơn là xe máy.
Điều khiển chiếc cào cào leo được lên đây không dễ chút nào, nhiều lúc tôi phải xuống xe, ngắm nghía phía trên xem thế nào mới dám đi tiếp.
Đánh vật một hồi, tôi cũng đưa được chiếc xe lên một cái sân rộng bên trong bản.
Một khu nhà thuần chất Mông hiện ra trước mắt tôi, thật kinh ngạc, có những thứ tôi chưa bao giờ hình dung ra, nay hiện ra trước mắt.
Trong bản rất vắng lặng, chỉ có vài đứa trẻ con đang chơi, có vẻ người lớn đã lên nương làm hết cả. Đã có lần tôi tới bản Lũng Đàm ở Du Già, Hà Giang, nhìn những ngôi nhà sàn làm toàn bằng gỗ dổi đã thấy choáng, nào ngờ lên đây, cả một bản với hàng chục ngôi nhà làm toàn bằng gỗ pơ mu. Gỗ Pơ mu ở đây nhiều kinh khủng, cái gì cũng làm bằng gỗ pơ mu.
Thay vì dùng ngói làm bằng đất nung, mái nhà ở đây được lợp hoàn toàn bằng các tấm gỗ pơ mu.
Các công trình phụ cũng làm bằng gỗ pơ mu.
Chiếc chuồng lợn này cũng được quây bằng những phiến gỗ pơ mu dầy và to.
Cái chuồng lợn này mà mang về Hà Nội đóng giường ngủ cho các đại gia thì ối tiền.
Chuồng gà cũng làm bằng gỗ pơ mu rất chắc chắn.
Và đến củi để đun bếp ở đây cũng toàn là gỗ pơ mu.
Vách nhà cũng làm toàn bằng các tấm gỗ pơ mu, có tấm rộng đến hơn 1m.
Không những thế, nhà nào cũng có thêm một kho gỗ dự trữ với những súc gỗ to để dự phòng sửa chữa hoặc cơi nới nhà.
Những súc gỗ này chắc để dành làm cột nhà.
Những tấm gỗ pơ mu này rộng khoảng 1,2m chắc được xẻ ra từ những cây pơ mu hàng trăm năm tuổi.
Gỗ pơ mu còn được xếp ngay dưới hiên nhà.
Một tấm gỗ pơ mu rộng khoảng 1,4m vứt lăn lóc trong xó. Để có được tấm gỗ này, thiên nhiên phải mất gần 1000 năm.
Cối xay cũng làm bằng gỗ pơ mu.
Thậm chí hàng rào cũng làm toàn bằng gỗ pơ mu.
Đi loanh quanh trong bản một hồi, tôi mới gặp duy nhất có một người đàn ông Mông đang ở nhà, tôi đánh bạo vào hỏi thăm. Rất may là người đàn ông này nói được tiếng Kinh. Hóa ra đây chính là bản Pa Cư Sáng thuộc xã Hang Chú. Rất có thể ngày xưa hai vợ chồng Mông mà nhà văn Tô Hoài bắt gặp chính là đi từ bản này. Hôm nay cả bản đi làm nương hết, nương ở cách bản khoảng 1 giờ đi bộ.
Người đàn ông mời chúng tôi vào nhà chơi và đi đun nước cho chúng tôi uống, nước được đun với lá cây quế uống rất thơm và mát.
Bếp lửa của người Mông ở đây cũng rất đơn sơ như các vùng cao khác.
Nhà của người Mông ở Hang Chú có đặc điểm khác với nhà người Mông ở Hà Giang là họ để nhà thoáng hơn, có nhiều cửa, không ngăn ra làm nhiều phòng.
Nhà bác này có 2 buồng kín dành cho 2 cặp vợ chồng, mỗi buồng ở một đầu nhà. Người Mông ở đây thường sống theo kiểu có nhiều thế hệ cùng ở chung một nhà, như vậy họ có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Tôi ngó vào phía trong bếp, hóa ra bác này đang ở nhà nấu rượu thóc. Thóc được ủ men cùng với lá cây quế.
Sau đó cho lên chảo đun.
Thấy tôi có vẻ quan tâm nhiều đến rượu, bác chủ nhà liền lấy can, rót cho tôi một chén rượu uống thử. Tôi đưa chén rượu lên môi nhấp thử một ngụm. Rượu thóc ngon tuyệt vời, nó có vị đậm đà, ngọt dịu, không nhạt quá mà cũng không cay quá, thoảng thoảng hương quế, rất nặng nhưng mà không sốc. Có lẽ phải tụ hợp được tất cả các yếu tố khí hậu, nguồn nước suối, giống thóc, men, củi bằng gỗ pơ mu.... của Hang Chú này mới nấu ra được loại rượu ngon như thế. Thấy tôi tấm tắc khen, bác chủ nhà rất vui cười khoái chí. Tôi tranh thủ tỏ ý muốn ngủ nhờ lại đây một đêm, bác vui vẻ đồng ý và dọn chỗ cho tôi cất đồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét