Tới đây cũng xin nói thêm vài điều về người Mông.
Người H’Mông hay còn được gọi là người Miêu là một dân tộc xưa kia sống tại khu vực phía Nam của Trung Quốc. Sang thế kỷ 18 thì người Mông có sự di cư sang Việt Nam.
Người Mông là nhóm người có nguồn gốc từ châu Âu, di dân dần đến vùng đồng khô Siberia rồi mới đến định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà vài ngàn năm trước. (Trong thế kỉ XVII những nhà truyền giáo Tây phương lần đầu tiếp xúc với nhóm Mông sống hoang dã ở vùng Vân Nam TQ lấy làm ngạc nhiên thấy họ không có nét thuần Á châu mà lại có người có màu tóc hung, bạch kim và vài người lại có mắt xanh- chính vì vậy mà người Hoa gọi họ là Miêu, hay Mèo).
Vào khoảng thế kỷ 26 TCN, Miêu tộc đã bị bại trận dưới tay Hoa tộc và từ đó họ bị chia rẽ và phiêu bạt ngày càng lùi về phía nam. Trình độ văn hóa và kỹ thuật của người Miêu cũng ngày càng chênh lệch so với người Hán và trở thành một dân tộc bị coi là man di.
Ở Việt Nam, người Mông có số dân khoảng 800.000 người, cư trú ở độ cao từ 800m đến 1.500m so với mực nước biển gồm hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc trong một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La... Do tập quán du mục nên một số người H'Mông trong những năm 1980, 1990 đã di dân vào tận Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Gia Lai và Kon Tum.
Tiếng Mông là một ngôn ngữ không có chữ viết. Năm 1961 phương án chữ Mông theo tự dạng Latin đã được chính phủ Việt Nam phê chuẩn (cụ thể bộ chữ được xây dựng theo ngữ âm ngành Mông Lềnh Sa Pa — Lào Cai) có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành Mông khác, gồm 59 phụ âm (có 3 âm vị phụ âm của ngành Mông Đơư và Mông Sua), 28 vần và 8 thanh. Vào thập niên 1970, phong trào học chữ Mông phát triển khá mạnh ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi có nhiều người Mông sinh sống. Nhưng đến nay với nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình hình học chữ Mông đã không còn phát triển như trước kia nữa.
Quay trở lại câu chuyện của tôi. Leo một hồi thì tới nhà của anh bạn Mông. Cậu ta mở cổng cho tôi vào, vẫn là tường rào đá và nhà trình tường bằng đất lẫn với đá. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ngôi nhà tối om, tuy nhiên khá rộng rãi với 4 phòng thông nhau. Ngồi ngay ngoài cửa là một chị Mông đang căm cụi may đồ trong bóng tối với duy nhất 1 cái đèn pin buộc cạnh trán.
Mọi người trong nhà nhìn tôi với ánh mắt rất lạnh lùng, không có vẻ thân thiện lắm. Anh bạn Mông mời tôi ngồi rồi chúng tôi bắt đầu làm quen. Anh ta tên là Vàng Mí Cơ, anh ta ở đây với bố mẹ, anh ruột và chị dâu. Hóa ra, Cơ đã từng đi bộ đội và đóng quân ở Phú Thọ rồi Yên Bái, thảo nào anh ta nói được tiếng Kinh rất tốt và rất thân thiện với người Kinh. Cơ năm nay mới 20 tuổi nhưng cậu ta rất hồn nhiên chia sẻ: "ở đây em là có tuổi rồi, bạn bè bằng tuổi em, chúng nó có vợ con lâu rồi". Cả nhà chỉ có mỗi Cơ nói được tiếng Kinh.
Rót nước cho tôi xong, cậu ta đi chuẩn bị đồ ăn cho tôi ăn tối.
Cơ nhờ mẹ thổi lửa nấu thức ăn.
Nhìn xung quanh, tôi đoán nhà Cơ cũng là một nhà khá giả, nhà có 4 phòng thông nhau, phòng nào cũng có một bép lửa, vừa để nấu nướng, vừa để sưởi ấm. Giường ngủ của các đôi vợ chồng được quây kín bằng vách gỗ, vừa ấm, vừa đảm bảo sự riêng tư trong sinh hoạt.
Cơ chỉ cho tôi chỗ ngủ đêm nay, vì đã chuẩn bị sẵn túi ngủ nên có một chỗ như thế này là quá tốt rồi.
Nhà có một gian bếp rộng dùng làm kho lương thực, đồng thời để nấu nướng khi có đông người và đặc biệt là nơi để làm rượu ngô, món đặc sản tuyệt hảo của người Mông trên cao nguyên đá. Để làm rượu ngô, người Mông đã có cả một bí quyết từ bao đời nay.
Đầu tiên, ngô được bung trên bếp lửa rồi trộn với một lượng men nhất định. Ba ngày sau, ngô đã ngấm men thì cho vào chum, vò, ủ kỹ khoảng 9, 10 ngày. Cuối cùng mới chưng cất. Men ủ ngô phải là chế từ lá và rễ cây rừng nên vừa thơm vừa ngọt.
Ngô đang ủ men.
Sữa cô gái Hà Lan có mặt ở khắp mọi nơi
Bếp lửa bập bùng, mỗi gian nhà đều có một bếp lửa.
Một cái chậu gỗ để rửa chân và cũng sẽ là vật để thờ cúng sau này.
Lương thực chính của người Mông trên cao nguyên đá là NGÔ, ngô được xay ra và đồ lên ăn hàng ngày gọi là mèn mén. Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ. Để có được món mèn mén, các gia đình người Mông thường phải đồ mèn mén vào sáng sớm để dành cho ăn cả ngày.
Ngô được xay bằng cối đá, xay thật nhỏ giống như thời bao cấp, chúng ta cũng hay ăn ngô độn vậy, sau đó người ta cho vào chõ và đặt chõ trong một cái chảo có nước vừa đủ để đồ.
Để thành món mèn mén người ta phải đồ hai lần. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau. Bởi vậy, thời gian đồ lần đầu cần tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (ngô non hay ngô già). Nếu là bột ngô già thì thời gian đồ cần lâu hơn. Nếu là bột ngô non thì chỉ sau khi nước ở trong chảo sôi, thấy hơi bốc nghi ngút lên miệng chõ là có thể bắc ra được.
Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng mà phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, không thể có món mèn mén với vị thơm, dẻo và ngọt đậm đà, hơn nữa ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ.
Khi ăn mèn mén, bà con thường dùng muôi gỗ để xúc mèn mén ra bát. Đi chợ, họ thường dắt theo một gói để ăn với thắng cố thì ngon tuyệt.
Trên khung cửa, tôi thấy một vật này, hỏi ra mới biết đó như là một dạng bùa, để người đi xa luôn được may mắn và bình yên.
Hai bên cửa treo hai bộ sừng trâu đã khô, cái đó là ngày xưa cúng ma ông của Cơ hai con trâu thì sau klhi làm cỗ xong treo hai bộ sừng ở đó.
Chỗ rửa của cả nhà. Người Mông sống trên cao, rất thiếu nước. giờ đây nhà nào cũng xây bể chứa nước mưa nên cũng đỡ khó khăn hơn trước. Tuy nhiên vẫn phải hết sức tiết kiệm. Nước chỉ được dùng cho các nhu cầu tối thiểu. Nước thải thậm chí cũng được giữ lại để tưới cây.
Dụng cụ lao động được treo cất cẩn thận.
Cuối cùng thì cơm cũng được dọn ra
Có mấy món của người Mông cộng với cốc mỳ tôm và rượu ngô pha mật ong bạc hà.
Có món thịt muối xào đậu, món này là món đặc sản của người Mông chỉ có khi đãi khách, ăn rất ngon.
Món đậu chúa, đây là món ăn rất phổ biến của người Mông, họ thường ăn với cơm hoặc mèn mén.
Một bát canh bánh đa
Có lẽ do từ ngày xưa, muối là thứ rất khan hiếm và đắt tiền nên người Mông ăn rất nhạt. Riêng món thịt muối xào, Cơ bảo tôi là rất mặn nhưng thực sự là có mỗi món đó là vừa miệng tôi. Uống rượu với thịt muối trong một khung cảnh thật thú vị, tối hôm đó tôi khá say và ngủ một mạch tớ sáng.
Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao hơn đỉnh núi. Khung cảnh xung quanh bản Lao Sang thật là đẹp và hùng vỹ.
Tôi dậy đánh răng rửa mặt và sắp xếp đồ đạc để lên đường sớm để xem chợ phiên Đồng Văn, phiên chợ nổi tiếng mà tôi vẫn ao ước đến chơi.
Tôi cám ơn Cơ và gia đình cậu đã cho tôi ngủ nhờ và tiếp đón rất chu đáo, dạo một vòng quanh nhà lần nữa rồi nổ máy lên đường tới Đồng Văn.
Mặt ngoài ngôi nhà trình tường
Tường rào xếp bằng đá
Để hoàn thiện ngôi nhà này, hẳn là gia đình Cơ đã mất rất nhiều công sức và thời gian. Riêng làm chỗ ngói đất nung này cũng phải mất cả năm.
Chuồng nuôi gia súc
Gác xép để chứa đồ
Điện cũng đã chuẩn bị được kéo vào trong bản, chắc trong năm nay, bản Lao Sang sẽ có điện lưới quốc gia, sẽ không còn cảnh người Mông làm việc và sinh hoạt trong bóng tối nữa, điều này không biết nên vui hay buồn đây.
Đường vào bản khá rộng rãi, có lẽ sẽ được trải nhựa trong vòng 1 hoặc 2 năm tới.
Phía dưới là thung lũng đá tai mèo xen lẫn với ruộng lúa.
Đến lúc đi xe xuống núi, tôi mới thấy là tối qua mình đã đi lên rất cao mà không biết. Ban ngày nhìn xuống thấy vực sâu thăm thẳm, con đường thì ngoằn ngoèo quanh co.
Người nào sợ độ cao đứng đây nhìn xuống sẽ sởn tóc gáy, nếu rơi xuống vực thì sẽ rất lâu mới chạm đáy.
hành trình của anh hay thật.
Trả lờiXóa