Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Ka Lăng - Thu Lũm, thăm người La Hủ phần 27

Phơi quần áo


Ở đây cứ 4, 5 nhà lại chung nhau một cái bể nước rất to, bà con ra bể nước tắm chung rất hồn nhiên chẳng ngại ngùng gì cả.


Trời đã về chiều, ánh nắng tỏa những tia sáng cuối cùng trên đỉnh núi.


Bọn trẻ chạy ra tập trung ngoài đường chơi với nhau mỗi lúc một đông.


Anh cu này vừa chạy đâu về, mặc cả áo khoác, đội mũ đi ủng rất oách.


Một cô bé diện áo dài mới toanh đi chơi.


Nhìn đằng trước. Chiếc áo dài này là của người Hà Nhì, người La Hủ ở đây không có trang phục dân tộc riêng của mình, họ vớ được cái gì thì mặc cái đấy, không quan trọng tới hình thức mấy.


Nhìn hai chị em này chơi đùa với nhau rất tình cảm.


Đứa em nhất quyết đòi trèo lên đầu chị.


Anh này vừa bẻ được một rổ măng trong rừng về, chắc lại để nướng lên ăn.


Dọc đường mang măng về bị mỗi đứa xin một hai cái.


 Không vác về nhà nhanh thì hết.


Cô bé diện áo dài cũng lấy được hai cái măng.


Nhìn đứa bé con chơi một mình yêu thế, như chú cún nhỏ.


Hai mẹ con lúc nãy cũng cõng nhau ra đường chơi.


Đứa lớn cũng chạy ra xin măng.


Không được cho, cô bé mếu máo ấm ức.


Bọn trẻ mải mê chơi trò búng mấy cái nắp chai.


Nhìn lũ trẻ này tôi lại nhớ tới "Những đứa trẻ đường phố" trong vở opera "Carmen" của Georges Bizet


Dạo chơi trong bản Là Si một lúc thì trời đã xẩm tối, tôi trở về trạm biên phòng tắm rửa và chuẩn bị cùng mọi người ăn tối. Tối hôm đó, tôi cùng ba anh bộ đội biên phòng ăn cơm với thịt gà luộc, rau muống luộc và đặc biệt có món canh lá sắn ngon tuyệt. Lần đầu tiên tôi được ăn lá sắn nấu canh, không ngờ lại ngon đến thế. giữa chốn thâm sơn cùng cốc này, được ăn bữa cơm như thế chẳng khác nào sơn hào hải vị. Để cõng được một cân gạo vào đây phải mất bao nhiêu công sức.
Ăn cơm xong thì cũng là đến giờ xem truyền hình của cả bản. Trong trạm biên phòng có một chiếc ti vi là phương tiện truyền thông duy nhất để nắm được thông tin của thế giới bên ngoài.

Bọn trẻ con bắt đầu kéo sang để xem ti vi.


Bọn trẻ rất trật tự và có ý thức, sang đây không đùa cợt chí chóe nhau mà ngồi im rất trật tự.

Ổn định chỗ ngồi nào.


Hai anh lính trẻ cũng bắt đầu mang mấy gói mỳ chính tôi mang lên ra chia thành các gói nhỏ để phát cho bà con làm quà.


Thực ra thì mấy gói mỳ chính này chẳng đáng kể gì, chỉ là chút quà mọn cho bà con vui. Ở trên này, người La Hủ còn chẳng có muối để ăn nên họ cũng rất quý mỳ chính.


Tôi thì mang kẹo ra chia cho lũ trẻ con, bọn chúng có vẻ rất thích loại kẹo dẻo "chíp chíp", ăn nhấm nháp ngon lành.


Đài truyền hình đang chiếu phim "Thần điêu đại hiệp". Bọn trẻ con không hiểu tiếng Kinh nhưng vẫn xem rất thích thú.


Đến lượt người lớn cũng tới xem.


Và đây là những cư dân trong số 105 khẩu của cả bản Là Si tối hôm đó. Số còn lại của 21 hộ dân chắc vẫn đang ở trong rừng vui thú với cuộc sống hoang dã, tự do.


Xem hết phim thì mọi người cũng về đi ngủ, tôi tắt ti vi leo lên chiếc giường bên cạnh, chui vào túi ngủ nằm.


Đến nửa đêm thì trời đổ mưa như trút nước, sấm sét ầm ầm cho tới sáng. Nằm trên giường tôi cứ thao thức mãi, không hiểu những thổ dân La Hủ vẫn đang sống ở trong rừng kia, trời mưa to như thế này thì họ có bị ướt không, tại sao có nhà cửa đàng hoàng như thế này mà họ lại không chịu về ở mà thích chui rúc trong những túp lều mỏng manh giữa rừng núi. Điều này có lẽ chỉ có họ mới hiểu được.

Thế gian là vô thường, cuộc đời chỉ là một hơi thở, tiền bạc, của cải chỉ là vật ngoại thân, sống sao mà cảm thấy thanh thản, tự do mới là đáng để sống, sinh, lão, bệnh, tử cũng giống như mưa, gió, sấm, chớp là quy luật của tự nhiên muốn tránh cũng chẳng được, chi bằng mặc kệ nó, ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt, đường ta ta cứ đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét