Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Hành hương lên Ngọa Vân Am phần 8

Lúc này chân tôi đã khá mỏi, đùi thì có vẻ sưng to và nhức, giày thì đầy nước lõng bõng, ngón chân bắt đầu có triệu chứng bị chuột rút do ngâm nước lâu, phải kiếm chỗ nào nghỉ chân thôi.

 
Có một cái vũng nữa khá đẹp, lý tưởng để ngồi nghỉ chân và ăn trưa.


Lúc này cũng đã 1h chiều rồi.


Tôi cởi giày, tất, bỏ vào một cái túi ni lông rồi treo lên một bụi cây, lấy GPS định vị lại cẩn thận để đến lúc về còn tìm thấy, sau đó lôi đôi dép rọ ra đi.


Lấy nồi niêu ra đun nước pha trà uống rồi nấu mì tôm đánh chén.


Bếp cồn của hãng Tatonka đun rất nhanh, vèo một cái đã được một cốc trà to tướng và 2 bát Mỳ tôm thơm phức, ăn uống đã đời.


Được nghỉ chân, ăn no, uống trà nóng, hong khô đôi chân giữa khung cảnh núi rừng tĩnh mịch, suối nước trong vắt dưới chân chảy róc rách như chốn bồng lai tiên cảnh quả thật không gì sánh bằng.
Ngồi trên đống lá rừng, nhìn dòng suối chảy mãi, chảy mãi lại nghĩ đến thuyết Luân Hồi của Đạo Phật.
Thuyết Luân Hồi là một trong những vấn đề cơ bản trong giáo lý của Đạo Phật. Từ thuở hồng hoang, con người ta đã thường đặt ra những câu hỏi "Con người do đâu mà sinh ra? khi con người chết thì sẽ đi về đâu?"
Có 2 quan điểm của con người về vấn đề này như sau mà gọi là Chấp đoạn và Chấp thường.
Chấp đoạn thì cho là đời sống con người có hạn định, con người chỉ sống được trên dưới 100 năm, đến khi chết là hết.
Chấp thường thì cho rằng sau khi con người ta chết đi, thể xác bị tiêu hủy nhưng linh hồn vẫn tồn tại, linh hồn là bất tử, linh hồn sẽ đi đầu thai và một kiếp khác lại bắt đầu.
Quan điểm về Luân Hồi: Luân là bánh xe, Hồi là quay tròn. Con người sống một thời gian rồi chết, sau khi chết lại đầu thai vào một trong 6 kiếp phàm, cứ như thế mãi, không bao giờ thoát ra khỏi, không bao giờ dừng nghỉ, như chiếc bánh xe quay tít, không bao giờ dừng lại.  

Cái hình ảnh bánh xe quay tít này, nếu ai đã từng đến Tây Tạng sẽ thấy chúng có mặt ở khắp nơi, đó chính là bánh xe Pháp Luân. Ở Việt Nam thì ít gặp, tuy nhiên nếu ai đến chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, sẽ thấy có tòa Cửu Phẩm Liên Hoa tức là một ngọn tháp 9 tầng bằng gỗ, đặt trên một mâm xoay tròn được. Tín chủ đến niệm Phật, vừa niệm vừa xoay ngọn tháp, đó cũng chính là hình ảnh của bánh xe Luân Hồi trong đó.

Đạo Phật chia ra có 6 cõi Phàm gọi là Lục Đạo. Lục Đạo bao gồm cõi nhân, cõi thiên, cõi súc sinh, cõi địa ngục, cõi Atula và cõi ngạ quỷ. Thực ra, theo quan điểm của tôi thì 6 cõi này là trạng thái tâm lý của một con người, khi họ bị ảnh hưởng của Thất Tình, Lục Dục mà sinh ra.
Phật cho rằng, sau khi người ta chết, không có cái linh hồn hay cái gì đó thoát ra ngoài thân thể để đi nhập vào một cái thân khác. Một tinh thần thuần khiết đứng độc lập ra ngoài cơ thể vật chất là không thể có được. Một tinh thần, bắt buộc phải dính líu vào một hình tướng vật chất, giống như ngọn lửa của cây nến, khi cây nến cháy hết thì ngọn lửa cũng sẽ tắt.

Thoát khỏi đôi giày sũng nước, tôi lại tiếp tục bì bõm trong làn suối mát lạnh.
Một thác nước nhỏ xinh rất đáng yêu.


Nước suối trong vắt nhưng vẫn có cả đàn cá bơi ở dưới.


Làm người hay làm cá, cũng đều do nhân duyên.


Biết đâu có ngày ta cũng sẽ thành cá. Có sao đâu.


Cũng có thể biến thành một con chuồn chuồn ớt. Thảnh thơi phơi nắng trên tảng đá kia.


Một cây cổ thụ bị mục ruỗng bên trong, gió quật nó gãy làm đôi


Ngọn cây gãy văng xuống suối.


Nhìn cái cây này, tôi lại nghĩ đến một kiếp người. Kiếp người là gì? câu hỏi đó đã có từ hàng ngàn đời nay.

Quãng thời gian từ khi một người sinh ra, đến lúc chết ta gọi là một đời người. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian đó, từng phút, từng giây, từng hơi thở, Thân và Tâm đã biến đổi không ngừng, cái Ta của hơi thở trước đã không phải cái Ta ở hơi thở sau. Theo đạo Phật, đời người chỉ dài trong khoảng thời gian của một niệm. Niệm tức là ý nghĩ, có nghĩa là khi trong đầu xuất hiện một ý nghĩ rồi mất đi, như thế một đời người đã hết. Một ý nghĩ khác lại sinh ra, tức là một đời người mới lại được tiếp tục. Như vậy, người ta sống rồi chết, chết rồi sống, sinh sinh, tử tử cứ tiếp tục rồi không bao giờ đứt quãng, đó là Luân Hồi. Không có một linh hồn bất tử chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Người ta sở dĩ không thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi vì trong suốt đời người ta, ngay đến phút cuối cùng của đời người, người ta vẫn còn tham vọng, vẫn còn nhiều dục vọng, vẫn vị kỷ tức là cố bám lấy Bản Ngã. Sự vị kỷ đó, những tham vọng đó là sợi dây vô hình buộc người ta vào bánh xe luân hồi sinh tử, không thoát ra khỏi được. Đó chính là nghiệp lực, nó là một sức hút dẫn dắt con người vào Lục Đạo, vào Luân Hồi Sinh Tử. Còn dục vọng thì còn hành, còn nghiệp lực, do đó còn luân hồi sinh tử.
Muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi, con người phải diệt tham dục, không còn làm nô lệ cho những dục vọng thấp hèn, phải bỏ lối sống vị kỵ, phải sống vị tha, sống mình vì mọi người thì mới giải thoát ra khỏi luân hồi, chứng được cảnh giới Niết Bàn. 

Tiếp tục leo ngược dòng suối.


Tảng đá mồ côi.


Cảnh như vẽ.


Suối luồn qua khe.


Không vương chút bụi trần.


Tùy Duyên vạn biến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét