Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Pa Vệ Sủ những ngày thu nắng và mưa - P7

Đi tiếp được một đoạn thì ôi thôi, tôi nhìn thấy cảnh này, thật không tin vào mắt mình nữa, liệu có đi nhầm đường không đây?



Con suối trong veo xâm xấp nước lúc đi vào đẹp là thế, sau 8 tiếng đồng hồ đã thành như một con sông cuồn cuộn chảy ào ào xuống dưới vực.

Lúc đi vào.



Tôi nhìn nước to và chảy siết quá mà khiếp, không nhớ là lúc đi vào nó có đá hộc hay hố ở dưới không, nhỡ mà ngã một phát ở đây thì ướt từ đầu đến chân mà khéo còn bị cuốn xuống vực ấy chứ. Đang còn ngần ngại thì may quá có một anh đi xe máy chạy đến, thấy tôi ngần ngừ chưa qua anh bảo cứ qua đi, không sao đâu rồi về số rú ga phóng qua. Nước ngập đến gần nửa xe của anh ta, loạng choạng suýt nữa thì ngã, cũng may là anh ta chắc quen với chuyện này rồi nên chả ăn thua gì. Thấy vậy tôi cũng yên tâm mà lao xe sang, nước chảy siết, ngập đến 2/3 bánh xe, may mà không đâm vào hòn đá nào dưới lòng suối.



Thế là tôi với anh kia lại trở thành bạn đồng hành đi tiếp trên con đường gồ ghề với nhau.
 
Đi tiếp thì đến đoạn đường bị sạt lở lúc sáng, đứng đây nhìn mới thấy cả góc núi bị sạt xuống sâu hun hút cả trăm mét rợn người.



Mấy chàng Đông Ki Sốt xứ Pa Vệ Sủ.



Tới một đoạn đường bùn đất nhão nhoét.

 
Lúc này đội bạn có vẻ nóng lòng chạy về thị trấn nên phóng ào ào phía trước, tôi đang chạy từ từ phía sau thì bỗng thấy có một nhóm người đang thui một con gì đó khói um, một anh cao to vẫy tôi dừng lại hỏi han.



Anh ta ra giữa đường giữ tôi lại và nói mấy anh em giáo viên mời tôi ở lại đây uống rượu ăn tối nói chuyện cho vui. Thì ra các anh cũng là giáo viên thuộc điểm trường anh hiệu trưởng Dũng ở bản Thò Ma tôi vừa vào, các anh mua được một con nhím nên làm thịt đãi khách luôn. Ở vùng này, chẳng có chợ búa gì cả, nhà dân thì nghèo, sản vật cũng chẳng có nên nhiều khi mua con dúi, con nhím lại dễ hơn là mua cân thịt lợn, thịt bò. Anh cao to giữ tôi lại tên là Viện, hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở số 2, nhà này là nhà của một anh giáo viên. Hôm nay các anh cũng mời luôn cả các cán bộ xã và đặc biệt là có cả anh Tám, đồn trưởng đồn 307 sẽ cùng giao lưu với tôi. Vậy là chẳng có lý do gì để từ chối lòng hiếu khách của các anh giáo viên Pa Vệ Sủ được nữa.

Tôi lấy điện thoại ra để gọi cho đồng bọn báo là tôi ở lại đây ăn tối với các anh giáo viên nhưng có vẻ bọn họ đang đi vào khu vực mất sóng. Tôi đành nhắn tin thông báo, hi vọng là lúc họ đi vào vùng có sóng sẽ biết mà khỏi sốt ruột.
 
Ở những vùng xa xôi này, chẳng làm gì có nhà hàng hay quán ăn nên ai cũng rất giỏi nấu nướng và chế biến thức ăn.

Chú nhím đã được thui vàng.



Mổ thịt nào.



Anh chàng vừa lội qua suối cùng tôi hóa ra cũng là giáo viên, anh ta hứng chí nhẩy thử lên xe cào cào của tôi ngồi rất khoái chí.



Cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ để chế biến ra được vài món ăn.

 
Đến 7h tối thì cơm rượu được bày ra, anh Tám cũng vừa từ huyện lên, tay bắt mặt mừng tất cả cùng ngồi xuống mâm.



Đã nghe danh anh Tám từ lâu nhưng giờ tôi mới được gặp mặt. Anh Tám khi xưa vốn phụ trách đồn Mù Cả, chắc mấy đội phượt ngày xưa đi Ka Lăng, Thu Lũm rồi qua A Pa Chải đều biết anh. Nay anh chuyển về đồn Pa Vệ Sủ nhưng vẫn luôn nhớ tới những người anh em đi phượt đã từng gặp như Du Già, Hùng Sài Gòn, Giang Mèo và hình như cả em Rosy nữa thì phải.



Mọi người cùng nâng ly mừng cuộc hội ngộ nơi biên giới xa xôi này.

 
Các cán bộ ở đây, 100% đều là người Kinh từ dưới xuôi lên, các anh ở nhiều vùng quê, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây... lên đây công tác tuy xa xôi cách trở nhưng đều mang một lòng tâm huyết với người dân và địa phương.

Anh Uy, chủ nhà, cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp có cô bé bị bại liệt học giỏi đã được mệnh danh là "huyền thoại của Pa Vệ Sủ".



Anh Hùng, đồn phó đồn 307, một người trẻ tuổi, vui tính và đầy nhiệt huyết.



Anh chàng giáo viên đã cùng tôi vượt suối.



Thực là một buổi tối vô cùng vui và tình cảm với những con người tuy cách xa nhau nghìn trùng nhưng bỗng cùng tụ họp với nhau tại một nơi vô cùng đặc biệt. Một kỷ niệm không bao giờ quên của đời tôi.
Hàn huyên mãi tới 10h đêm thì tôi đành xin phép các anh lên đường về Mường Tè, cũng may là có hai anh giáo viên cũng đi cùng về huyện nên con đường trở nên nhanh hơn và vui hơn. Vậy là bây giờ, tôi mới thực sự phải chia tay với Pa Vệ Sủ, vùng đất mưa nắng thất thường nhưng lòng người đầy tình mến khách.
Tôi về tới Mường Tè, chia tay hai anh giáo viên rồi về nhà nghỉ ngủ đêm thứ 2 liên tiếp ở thị trấn để ngày mai sẽ tiếp tục cuộc hành trình tới điểm đến thứ 2: Pa Ủ.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét